Bữa sáng có thực sự là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày là một câu hỏi đang gây tranh cãi trong các chuyên gia dinh dưỡng. Trong khi đó, một số thậm chí nhịn ăn sáng để giảm cân.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, bình thường chúng ta cần ăn 3 bữa trong ngày đó là bữa sáng, bữa trưa, bữa tối. Sau khi ăn, thức ăn vào trong dạ dày, được nhào trộn với các men tiêu hóa nhờ sự co bóp của dạ dày. Một phần thức ăn được tiêu hóa tại dạ dày và sau đó xuống ruột non.
Thời gian thức ăn lưu lại trong dạ dày phụ thuộc vào độ tuổi, giới, hoạt động thể lực, trạng thái tâm lý… nhưng phụ thuộc chủ yếu vào bản chất hóa học của thức ăn. Cụ thể, glucid lưu lại trong dạ dày trung bình 4 giờ, protid 6 giờ và lipid là 8 giờ.
Qua một đêm nghỉ ngơi dạ dày đã trống rỗng, vì thế việc không ăn sáng sẽ không tốt cho cơ thể vì từ bữa ăn tối đến sáng hôm sau thời gian nhịn ăn tối thiểu là 10 giờ. Dạ dày luôn co bóp lúc có thức ăn cũng như khi không có thức ăn. Khi dạ dày co bóp không có thức ăn sẽ ảnh hưởng xấu đến dạ dày và có cảm giác cồn cào.
Đồng thời khi quá đói, đường huyết hạ, cơ thể dễ mệt mỏi và giảm năng suất lao động. Chúng ta không nên nhịn ăn sáng để cơ thể quá đói và trong các bữa ăn cũng không nên ăn quá no, nên ăn 3 bữa một ngày là hợp lý.
Với trẻ, theo Ths.BS Lê Thị Hải, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, bữa ăn sáng đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường hoạt động thể chất, tinh thần cũng như tăng khả năng học hỏi. Bữa ăn sáng là nguồn cung cấp năng lượng chính của não, sau một khoảng thời gian dài 10-12 giờ, kể từ bữa ăn cuối cùng của ngày hôm trước. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em thường xuyên ăn sáng khả năng học hỏi tốt hơn so với các trẻ em không ăn sáng.
Điều gì xảy ra khi bạn thường xuyên bỏ bữa sáng?
Nhiều ý kiến cho rằng những người ăn sáng ít có khả năng ăn quá nhiều vào thời gian còn lại trong ngày. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây đã không tìm thấy sự khác biệt về cân nặng giữa những người bỏ bữa sáng và những người ăn bữa sáng.
Theo Time, một nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ đã làm sáng tỏ những gì thực sự xảy ra trong cơ thể khi mọi người thường xuyên bỏ bữa sáng. Mọi người đốt cháy nhiều calo hơn vào những ngày họ bỏ bữa sáng, nhưng thói quen đó có thể làm tăng tình trạng viêm nguy hiểm.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Hohenheim ở Đức đã nghiên cứu trên 17 người trưởng thành khỏe mạnh vào ba ngày riêng biệt: một lần khi họ bỏ bữa sáng, một lần khi họ ăn ba bữa thông thường và một lần khi họ bỏ bữa tối. Mặc dù có sự thay đổi trong lịch trình, nhưng hàm lượng calo và sự phân hủy carbohydrate, chất béo và protein là như nhau trong cả ba ngày. Vào những ngày bỏ bữa, hai bữa còn lại có thêm calo để bù vào.
Mỗi ngày, các mẫu máu được thu thập thường xuyên từ 7 giờ sáng đến 9 giờ tối để đo nồng độ hormone, nồng độ glucose và insulin cũng như hoạt động của tế bào miễn dịch.
Việc bỏ bữa sáng dường như giúp cơ thể phá vỡ nhiều chất béo dự trữ hơn. Điều đó nghe có vẻ tốt, nhưng các nhà nghiên cứu nói rằng nó có thể có một mặt trái. Họ nhận thấy sự suy giảm tính linh hoạt của quá trình trao đổi chất, khả năng chuyển đổi giữa đốt cháy chất béo và carbohydrate của cơ thể. Điều này về lâu dài có thể dẫn đến tình trạng viêm mức độ thấp và rối loạn cân bằng nội môi.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng vì tình trạng viêm mãn tính ảnh hưởng đến độ nhạy insulin, nên bỏ bữa sáng có thể làm tăng nguy cơ béo phì và tiểu đường túyp 2.
Theo nghiên cứu này, lượng calo đốt cháy nhiều hơn khi bỏ bữa tối so với bỏ bữa sáng. Vì thế, bỏ bữa tối có thể tốt hơn cho việc giảm cân so với bỏ bữa sáng. Điều này phù hợp với đồng hồ sinh học của con người.
Theo Hà An/Dân trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/nhung-nguy-co-tiem-an-khi-thuong-xuyen-bo-bua-sang-20220815085309169.htm