Sau khi uống rượu chứa độc chất methanol, các triệu chứng nhiễm độc thường xuất hiện trong vòng 30 phút nhưng có thể muộn hơn tùy thuộc vào liều lượng mà người bệnh uống và có uống cùng ethanol hay không.
Điều dưỡng Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) chăm sóc một nam bệnh nhân từng nguy kịch vì uống nhiều rượu bia - Ảnh: XUÂN MAI
Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mức tiêu thụ rượu bia đang tăng nhanh tại Việt Nam. Thống kê từ báo cáo toàn cầu năm 2019 cho thấy Việt Nam xếp thứ 2 trong các nước khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người, với mỗi năm khoảng 40.800 ca tử vong liên quan đến bia rượu.
2 nguyên nhân ngộ độc methanol
Bên cạnh việc sử dụng rượu bia tăng cao ảnh hưởng đến sức khỏe, tình trạng ngộ độc rượu, bia, methanol cũng đáng báo động. Tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thường xuyên ghi nhận các ca ngộ độc methanol, nhiều bệnh nhân nặng, tử vong.
Cụ thể, tại Trung tâm chống độc, tỉ lệ tử vong của bệnh nhân ngộ độc methanol là xấp xỉ 30%. Ở các cơ sở y tế tuyến dưới, con số này thậm chí còn lên đến 50%. Trong trường hợp bệnh nhân được cứu sống thì cũng sẽ chịu những di chứng nặng nề đến hết đời.
Tại TP.HCM, các bệnh viện trên địa bàn cũng thường xuyên tiếp nhận cấp cứu những ca ngộ độc rượu chứa methanol trong các cuộc gặp gỡ, nhậu, liên hoan, tiệc tùng...
Vụ việc mới nhất là 8 nhân viên (đang là sinh viên, tuổi đời chỉ 19 - 23) của nhà hàng Mr Bao (phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP.HCM) bị nghi ngộ độc rượu sau khi tan ca. Trong đó có 2 người đã tử vong, 6 người còn lại đang điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Đa khoa khu vực Thủ Đức.
Theo ông Nguyễn Trung Nguyên - giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, các trường hợp ngộ độc methanol chủ yếu xuất phát từ 2 nguyên nhân là uống rượu kém chất lượng có pha methanol và uống phải cồn y tế bị làm giả, với thành phần ethanol bị thay thế thành cồn công nghiệp methanol.
Dễ bỏ qua giai đoạn kín đáo
Bác sĩ Võ Ngọc Quốc Minh (khoa tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM) cho biết các loại rượu không đảm bảo chất lượng, rượu giả (được pha chế bằng cồn công nghiệp methanol) có thể gây các vụ ngộ độc cấp tính, nhiều trường hợp dẫn đến tử vong.
Trong các loại rượu giả, rượu kém chất lượng thường có nồng độ methanol hoặc aldehyde cao. Đây là những chất có tác động rất mạnh đến tế bào thần kinh có thể nhanh chóng gây tụt huyết áp, choáng váng, nôn mửa, mờ mắt... dẫn đến tử vong.
Nếu có cứu chữa kịp thời cũng dẫn đến hậu quả mù lòa, nhiều trường hợp để lại di chứng không thể khôi phục thị lực. Với những trường hợp có bệnh lý mãn tính cũng dễ làm phát sinh bệnh nặng, thậm chí tử vong.
Theo ông Nguyễn Trung Nguyên, các triệu chứng ngộ độc methanol thường gặp như buồn nôn, nôn nhiều, tiêu chảy hoặc đau bụng, đau đầu, huyết áp thấp, chóng mặt hoặc mất phương hướng, môi và móng tay tím tái, hành vi kích động, nhìn không rõ hoặc mờ, mù lòa, khó thở, co giật, hôn mê và tử vong.
Các triệu chứng nhiễm độc methanol thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau uống nhưng có thể muộn hơn tùy thuộc vào số lượng mà người bệnh uống, người bệnh có uống cùng ethanol hay không (xuất hiện triệu chứng chậm hơn).
Thường có hai giai đoạn, giai đoạn kín đáo (vài giờ đến 30 giờ đầu) và giai đoạn biểu hiện ngộ độc rõ tiếp theo sau. Vì triệu chứng lúc đầu thường kín đáo và nhẹ (ức chế nhẹ thần kinh, an thần, vô cảm) nên thường bị người bệnh chủ quan và bỏ qua.
Không dùng cho sát khuẩn y tế
Trước sự nhầm lẫn của người dân về các sản phẩm chứa hóa chất methanol với cồn sát trùng hoặc sản phẩm sát khuẩn ngoài da, sát khuẩn tay dùng trong y tế, Bộ Y tế nhấn mạnh methanol là hóa chất dùng với mục đích là chất đốt, rửa dụng cụ, làm dung môi hóa chất xét nghiệm. Methanol không phải là thuốc, nguyên liệu làm thuốc và không được sử dụng cho mục đích sát khuẩn trong y tế.
Theo các chuyên gia, các loại rượu chứa cồn công nghiệp gây ngộ độc ở Việt Nam hoàn toàn không phải do các loại rượu nấu truyền thống, mà là tình trạng các tiểu thương mua cồn công nghiệp methanol về đóng chai hoặc pha thành các loại rượu rởm, trà trộn với các loại rượu truyền thống để thu lợi bất chính và gây ngộ độc. Việc lạm dụng rượu bia sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người sử dụng.
Để không xảy ra những trường hợp ngộ độc, tử vong vì ngộ độc rượu chứa methanol, PGS Hồng Côn cho rằng các cơ quan quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm phải có biện pháp quản lý để cơ sở kinh doanh không được dùng cồn công nghiệp pha rượu hoặc ngâm rượu. Với người bán, không vì mục đích lợi nhuận mà pha cồn công nghiệp vào rượu rồi bán cho người tiêu dùng.
Không được rửa thực phẩm, sát trùng Chuyên gia hóa học, PGS Trần Hồng Côn cho biết cồn công nghiệp có giá rất rẻ và thường chứa lẫn methanol. Nhiều người, quán ăn dùng cồn công nghiệp để rửa thực phẩm, đặc biệt là hải sản, thịt cá... nhằm mục đích khử mùi tanh. Tuy nhiên, điều này rất nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng nếu tồn dư của độc chất methanol vẫn có thể còn bám vào thực phẩm. Nếu lượng tồn dư này quá liều lượng cho phép sẽ gây độc. "Không được sử dụng cồn công nghiệp cho mục đích rửa thực phẩm, trong ăn uống hay để sát trùng y tế. Cồn công nghiệp chỉ sử dụng cho mục đích công nghiệp, chứ không phải mục đích nào khác", ông Hồng Côn nhấn mạnh. |
Theo Xuân Mai-Dương Liễu/ Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/mat-bao-lau-ngo-doc-ruou-methanol-xay-ra-20220808075707896.htm