Viện Da liễu Hoa Kỳ (AAD) thông tin về 8 sai lầm khi sử dụng kem chống nắng làm tổn thương da chị em nên thay đổi để có làn da khỏe mạnh, tránh bị lão hóa sớm.
Ảnh minh họa
Kem chống nắng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ làn da khỏi tia UV và ung thư da. Tuy nhiên, theo Viện Da liễu Hoa Kỳ (AAD), không phải ai cũng bôi kem chống nắng đúng cách.
Việc bôi không đúng cách có thể khiến làn da dễ bị tác động và tổn thương bởi các tia UV nguy hiểm.
Dưới đây là 8 sai lầm nhiều người mắc phải khi sử dụng kem chống nắng.
Chỉ dùng khi trời nắng
Đây là một trong những sai lầm phổ biến nhất của nhiều chị em phụ nữ. Bạn có thể nghĩ rằng, trời không có nắng hoặc nhiều mây thì da sẽ không thể bị cháy nắng.
Theo ADD, chỉ 20% người Mỹ sử dụng kem chống nắng vào những ngày nhiều mây, mặc dù 80% tia UV vẫn có thể xuyên qua da vào những ngày này.
ADD khuyên rằng, bạn cần luôn có kem chống nắng bên mình. Biện pháp phòng ngừa an toàn nhất là sử dụng kem chống nắng bất cứ khi nào bạn ra ngoài.
Sử dụng kem chống nắng hết hạn
Nhiều người cho rằng kem chống nắng thì không có hạn sử dụng, nhưng thực tế, nó có thể hết hạn. Theo quy định của FDA, kem chống nắng giữ được độ bền ban đầu trong ba năm.
Khi hết hạn, các chất hóa học bên trong sẽ phân hủy khiến chất lượng kem chống nắng giảm tác dụng bảo vệ. Điều này cho thấy bạn có thể bôi kem chống nắng mà không có hiệu quả.
Hạn mở nắp của các sản phẩm chống nắng thông thường là 12 tháng. Nguồn: Paula’s Choice.
Chỉ sử dụng kem chống nắng dạng xịt
Kem chống nắng dạng xịt có cách sử dụng dễ dàng. Tuy nhiên chúng không phủ đều trên da dẫn đến những vùng không được che phủ có thể bị cháy nắng. Khi sử dụng kem chống nắng dạng xịt, bạn hãy thoa đều lượng kem trên da. Nếu bạn muốn sử dụng kem chống nắng dạng xịt cho mặt, hãy xịt vào tay trước rồi mới thoa lên da.
Cảm thấy không cần thiết
Nhiều chị em phụ nữ không thích cảm giác khi thoa kem chống nắng, hoặc nghĩ màu da của mình không cần sử dụng chúng. Tuy nhiên kem chống nắng mang lại hiệu quả bảo vệ da cho tất cả mọi người. Khi phơi nắng, bất kì ai cũng đều phải đối mặt với nguy cơ da bị tổn thương và lão hóa sớm.
Nếu có làn da nhạy cảm, hãy chọn kem chống nắng có thành phần hoạt tính là oxit kẽm hoặc titanium dioxide để tránh bị kích ứng da. Đồng thời, bạn nên tránh các loại kem chống nắng có mùi hương.
Không thoa lại kem chống nắng
Mọi người thường có suy nghĩ sai lầm rằng mỗi ngày chỉ cần thoa kem chống nắng 1 lần là đủ. Tuy nhiên, thoa lại kem chống nắng thường xuyên là việc làm cần thiết, đặc biệt khi bơi lội hoặc đổ nhiều mồ hôi.
Một nguyên tắc nhỏ là bạn nên thoa lại kem chống nắng sau khoảng hai giờ, đặc biệt khi đang tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.
Sử dụng lượng kem chống nắng phù hợp để bảo vệ da tối ưu nhất. Ảnh minh họa.
Sử dụng không đủ liều lượng
Thoa kem chống nắng quá ít khiến làn da không nhận được sự bảo vệ tối ưu khỏi tia UV. Bạn nên thoa một lượng vừa đủ kem chống nắng cho mỗi vùng da, đảm bảo bôi đều khắp các vùng da cần chống nắng.
Các vùng thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng thường dễ bị bỏ qua như mắt cá chân, bàn chân và tai cũng cần chú ý bôi.
Với da mặt, lượng kem đủ cần khoảng 1 đồng xu. Còn đối với cơ thể, bạn có thể dùng lượng kem khoảng 3 – 4 đồng xu hoặc tùy vào vùng da trên cơ thể.
Sử dụng sản phẩm có chỉ số chống nắng SPF dưới 30
SPF là chỉ số chống nắng, cho biết kem chống nắng có thể lọc ra bao nhiêu tia UVB. Bất cứ sản phẩm nào có SPF dưới 30 đều không phải là biện pháp bảo vệ làn da hiệu quả.
Do đó, AAD khuyến nghị nên sử dụng loại kem chống nắng phổ rộng, chống nước và có chỉ số SPF từ 30 trở lên.
Khi sử dụng đúng cách, kem chống nắng có thể làm giảm nguy cơ ung thư da. Nó cũng có thể bảo vệ và giúp trì hoãn làn da bị lão hóa sớm do ánh nắng mặt trời.
Sử dụng thêm áo, mũ, kính chống nắng trước khi ra ngoài. Ảnh minh họa.
Chỉ sử dụng kem chống nắng
Sai lầm cuối cùng là chỉ sử dụng kem chống nắng để bảo vệ làn da khỏi ánh nắng mặt trời. Mặc dù kem chống nắng rất quan trọng, nhưng các chị em nên thực hiện thêm các biện pháp phòng ngừa khác như mặc quần áo chống nắng, đội mũ rộng vành, đeo kính râm chống tia cực tím,...
Theo Bích Diệp/GD&TĐ (nguồn WebMD)
https://giaoducthoidai.vn/8-sai-lam-chi-em-thuong-mac-phai-khi-dung-kem-chong-nang-post603334.html