Vì hóa trị liệu được thiết kế để diệt nhanh các tế bào ung thư, nó cũng ảnh hưởng đến những tế bào bình thường phân chia nhanh, chẳng hạn như tế bào trong miệng.
Thay đổi vị giác trong điều trị ung thư
Theo Viện Y học ứng dụng Việt Nam, thay đổi vị giác hay chứng rối loạn vị giác xảy ra trong quá trình hóa trị liệu sẽ khiến bệnh nhân cảm thấy cảm nhận về vị giác của mình bị thay đổi. Người ta miêu tả nó như: "vị kim loại trong miệng", vị đắng, mất vị giác, hoặc giảm khả năng nếm các thức ăn ngọt. Chắc chắn, nó có thể ảnh hưởng đến khả năng thưởng thức món ăn và đôi khi, nó có thể ảnh hưởng đến việc nạp vào dinh dưỡng cần thiết trong quá trình điều trị ung thư.
Nguyên nhân xuất hiện sự thay đổi vị giác trong quá trình hóa trị?
Vì hóa trị liệu được thiết kế để diệt nhanh các tế bào ung thư, nó cũng ảnh hưởng đến những tế bào bình thường phân chia nhanh, chẳng hạn như những tế bào trong miệng. Do đó, hóa trị liệu có thể gây tổn hại cho thụ thể vị giác. Trong một số trường hợp, bên cạnh mất vị giác, bệnh nhân có thể bị buồn nôn và nôn. Sự thay đổi vị giác thường bắt đầu một tuần hoặc lâu hơn sau khi bắt đầu hóa trị và kéo dài từ 3 đến 4 tuần.
Giải quyết vấn đề thay đổi vị giác do hóa trị
Không có thuốc nào giúp thay đổi vị giác trong quá trình hóa trị liệu, mặc dù nước súc miệng đôi khi được kê để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng nếu bạn bị loét miệng. Thực hiện vệ sinh răng miệng tốt - lý tưởng là đánh răng sau mỗi bữa ăn - rất quan trọng đối với cả thay đổi vị giác và các vết loét miệng có thể xuất hiện khi hóa trị liệu.
Một số cách để giải quyết vấn đề thay đổi vị giác do hóa trị:
- Tránh ăn uống vài giờ trước và sau khi hóa trị liệu.
- Sử dụng đồ dùng bằng nhựa thay vì kim loại.
- Ăn uống với bạn bè hoặc gia đình để tạo sự phân tâm vị giác.
- Nhai kẹo cao su bạc hà.
- Ăn một vài thức ăn chua, chẳng hạn như cam và nước chanh (trừ khi bạn bị loét miệng).
- Thêm hương vị bằng cách sử dụng gia vị mạnh trong thực phẩm.
- Dùng thức ăn mát hoặc ướp lạnh. Thức ăn mát thường có lợi cho lưỡi hơn là thức ăn nóng.
- Các thực phẩm như thịt bò và thịt lợn có thể ít hấp dẫn vị giác hơn. Hãy thử thêm gia vị ướp để tăng hương vị, hoặc thay thế bằng các nguồn protein khác như gia cầm, cá, và các sản phẩm từ sữa.
Các nghiên cứu cho thấy rằng, rối loạn vị giác có thể làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Trong khi chất lượng cuộc sống lại rất quan trọng đối với bệnh nhân khi họ cố gắng giữ được niềm hy vọng và thái độ tích cực với bệnh ung thư.
Những thay đổi vị giác cũng có thể dẫn đến giảm thèm ăn, gây ảnh hưởng đến chế độ dinh dưỡng trong quá trình hóa trị.
Theo Minh Nhật/ Dân trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/vi-sao-benh-nhan-ung-thu-bi-thay-doi-vi-giac-trong-qua-trinh-dieu-tri-20220718080612177.htm