Kiểu ăn kiêng gọi là "nhịn ăn gián đoạn" mà nhiều quý cô thời nay đang nỗ lực áp dụng để giảm cân, giảm mỡ thực ra có lợi cho sức khỏe nhiều mặt, bao gồm tác động tốt lên bệnh Covid-19.
Nhịn ăn gián đoạn tức "gom" các bữa ăn trong ngày trong một khung thời gian nhất định và hoàn toàn không ăn gì trong quãng thời gian còn lại: Ví dụ với mức 12-12, nếu bạn bắt đầu bữa ăn sáng lúc 7 giờ thì phải kết thúc bữa tối, cũng là bữa cuối cùng trong ngày, lúc 19 giờ.
Kiểu ăn kiêng này trước đây đã được chứng minh là có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim.
Gom các bữa ăn trong ngày vào khoảng 12 giờ và để cơ thể "nghỉ ngơi" 12 giờ còn lại không chỉ mang lại vòng eo thon mà còn tốt cho sức khỏe (Ảnh minh họa từ Internet)
Giờ đây, các nhà nghiên cứu từ Intermountain Healthcare - Mỹ phát hiện ra rằng những người thường xuyên nhịn ăn gián đoạn sẽ ít gặp các biến chứng nghiêm trọng do Covid-19.
Trong bài công bố mới đây trên tạp chí khoa học BMJ Nutrition, Prevention & Health, các nhà khoa học cho biết họ đã theo dõi các bệnh nhân Covid-19 được ghi nhận dữ liệu bởi INSPIRE, một đăng ký y tế tự nguyện tại Intermountain Healthcare. 205 tình nguyện viên đều mắc Covid-19 trước khi việc tiêm chủng được triển khai rộng rãi, tức đều dễ có nguy cơ bệnh nặng và tử vong.
Tiến sĩ Benjamin Horne, Giám đốc dịch tễ học tim mạch và di truyền tại Intermountain Healthcare cho hay 73 bệnh nhân trong nhóm nghiên cứu đã thực hiện nhịn ăn gián đoạn một thời gian trước khi mắc bệnh, một số người do một nghi lễ tôn giáo thời điểm đó, một số người ăn kiêng.
Nhưng nhìn chung, họ đều thực hành ăn uống trong ngày theo kiểu 12-12 (12 giờ chỉ uống nước, 12 giờ ăn thoải mái tất cả các bữa) hay 14-10 (14 giờ chỉ uống nước, 10 giờ ăn thoải mái).
"Việc nhịn ăn không liên tục không liên quan đến việc có ai đó xét nghiệm Covid-19 dương tính hay không, nhưng nó có liên quan đến mức độ nghiêm trọng thấp hơn khi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với nó" - tờ Medical Xpress dẫn lời tiến sĩ Horne.
Có nhiều điều có thể dẫn đến tác dụng kỳ diệu này. Ví dụ kiểu ăn kiêng này làm giảm viêm, trong khi Covid-19 chủ yếu tấn công con người nặng nề nhất vì kích hoạt phản ứng viêm quá mức.
Ngoài ra, sau 12 đến 14 giờ nhịn ăn, cơ thể chuyển từ sử dụng glucose trong máu sang xeton, bao gồm cả axit linoleic. Có một túi trên bề mặt của SARS-CoV-2 chứa axit linoleic nên một cơ thể tăng cường sử dụng xeton sẽ làm cho virus mất bớt thứ giúp chúng kết dính vào tế bào.
Một lợi ích tiềm năng khác kiểu ăn kiêng này dường như kích hoạt "hệ thống tái chế" của cơ thể giúp cơ thể bạn tiêu diệt và tái chế các tế bào bị tổn thương và nhiễm trùng.
Tiến sĩ Horne nhấn mạnh rằng những kết quả này là từ những người đã thực hành kiểu ăn kiêng này lâu dài, có người đã ăn như vậy trong vài thập kỷ. Bạn nên tham vấn ý kiến bác sĩ khi bắt đầu thử nó nếu bạn là người cao tuổi, có bệnh nền.
Theo các tác giả, phát hiện này có thể cung cấp một liệu pháp bổ sung nhằm giảm bớt mức độ nặng của bệnh, trong bối cảnh dù tỉ lệ tiêm vắc-xin đã cao ở các nước nhưng một số người thuộc nhóm nguy cơ vẫn có thể phát triển Covid-19 nặng.
Theo Thu Anh / Người lao động
https://nld.com.vn/suc-khoe/kieu-an-kieng-thoi-thuong-bat-ngo-chong-duoc-covid-19-nang-20220711112611808.htm