Phthalat trong sơn móng tay là loại phụ gia hóa học có thể làm thay đổi thời gian dậy thì ở trẻ em sẽ được phát hiện trong vòng 15 phút nhờ phương pháp mới của nhóm tác giả ở Đại học Y Dược TPHCM.
Độc hại của chất phthalat
Nhóm tác giả ở Đại học Y Dược TPHCM đã thực hiện đề tài “Xây dựng quy trình định lượng đồng thời một số hợp chất phthalat trong nước sơn móng tay bằng kỹ thuật LC-MS và GC-MS”.
Một số phthalat được dùng trong nghiên cứu gồm dimethy phthalat, diethyl phthalat, diisobutyl phthalat… cùng các dung môi n – hxen, aceton, methanol… Thiết bị sử dụng là hệ thống sắc ký khí, đầu dò khối phổ, bể siêu âm, cân phân tích.
Phthalat là loại hóa chất công nghiệp được sử dụng rộng rãi trong ngành nhựa để tạo ra tính mềm dẻo và độ bền chắc cho sản phẩm. Chất này cũng thường được dùng để ổn định màu sắc và hương thơm của một số loại mỹ phẩm.
Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh sự có mặt của các phthalat trong nước sơn móng tay với mục đích làm bóng và mau khô lớp sơn. Các nhà khoa học cho biết rằng, các hóa chất này trong sơn móng tay có thể xâm nhập vào máu chỉ sau 2 giờ làm móng.
Các nghiên cứu cho thấy rằng, nồng độ độc tố trong sơn móng tay “trôi nổi” có thể còn cao hơn cả các hóa chất độc hại. Hiện nay, trên thị trường mỹ phẩm, các mặt hàng sơn móng tay rất đa dạng, từ những sản phẩm có thương hiệu cho đến những sản phẩm không nhãn mác, với giá cả chênh lệch rất nhiều. Do đó, chất lượng giữa những sản phẩm này cũng sẽ khác nhau.
Phthalat làm thay đổi thời gian dậy thì ở cả bé trai và gái, gây rối loạn estrogen, dẫn đến thúc đẩy quá trình ung thư vú, ảnh hưởng đến chức năng gan… Ngoài ra, phthalat còn ảnh hưởng đến sự phát triển thần kinh của trẻ, giảm sự tỉnh táo, rối loạn tăng động, giảm chú ý, viêm mũi, hen suyễn… Vì ảnh hưởng không nhỏ của phthalat, một số nước đã cấm sử dụng chúng trong đồ chơi và đồ dùng chăm sóc trẻ em.
TS Nguyễn Hữu Lạc Thủy, Đại học Y Dược TP HCM, cho biết, một số công trình nghiên cứu đã sử dụng phương pháp LC-MS (sắc ký lỏng đầu dò khối phổ) và GC-MS (sắc ký khí ghép khổi phổ) để phân tích phthalat trong thực phẩm, mỹ phẩm, bao bì…
Tuy nhiên, chưa có công trình nào trong nước sử dụng phương pháp này để xác định đồng thời một số phthalat có trong nước sơn móng tay. Trong khi đó, nước sơn móng tay là một trong số các mỹ phẩm được sử dụng phổ biến và việc kiểm soát chất lượng mỹ phẩm là yêu cầu bắt buộc.
Vì vậy, cần có quy trình phân tích đồng thời một số phthalat cầm và được phép sử dụng, với giới hạn cho phép trong nước sơn móng tay, nhằm đảm bảo chất lượng mỹ phẩm tại Việt Nam.
Xác định độc chất trong 15 - 23 phút
Nhóm nghiên cứu cho biết, với phương pháp GC–MS, trong khoảng thời gian 15 phút, có thể xác định được 20 phthalat, với giá trị LOD (giới hạn phát hiện) từ 0,03 – 0,3 ppm, LOQ (giới hạn định lượng) từ 0,01 – 1 ppm. Còn phương pháp LC–MS, trong khoảng thời gian 23 phút, có thể xác định 19 phthalat, với LOD từ 0,3, LOQ từ 1 ppm.
Cả hai phương pháp trên đều có tính đặc hiệu, giới hạn phát hiện và định lượng thấp, cho độ chính xác cao (trên 80%). Quy trình do nhóm xây dựng, có thể áp dụng vào việc kiểm soát các phthalat trong nước sơn móng tay trên thị trường.
Theo TS Thủy, hiện nay, rất nhiều chất độc xâm nhập cơ thể chúng ta bằng nhiều con đường như tiêu hóa, hấp thụ, hít thở… Tuy nhiên, thường người ta lại tập trung đến các nguy cơ từ bên trong, mà quên đi những nguy cơ tiềm ẩn từ những sản phẩm tiếp xúc bên ngoài cơ thể hằng ngày như kem đánh răng, nước rửa tay, dầu gội đầu, mỹ phẩm…
Các sản phẩm này đều chứa rất nhiều hóa chất, có thể tác động trầm trọng đến sức khỏe, nếu sử dụng trong thời gian dài. Phân tích các phthalat có trong nước sơn móng tay để xây dựng quy trình thẩm định và đánh giá chất lượng của các mặt hàng mỹ phẩm là mục tiêu nhóm hướng đến. Từ đó có công cụ để kiểm soát chất lượng sơn móng tay, bảo vệ sức khỏe người dùng.
Để giữ cho bản thân và những người xung quanh an toàn, hãy chọn các loại sơn móng tay không chứa các thành phần gây hại. Lưu ý kiểm tra các nhãn mác sản phẩm cẩn thận trước khi mua.
Ít nhất cần loại trừ những chất như dibutyl phthalate, toluene, formaldehyde. Nên ưu tiên những sản phẩm làm móng có thành phần tự nhiên an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Phụ nữ có thai không nên sơn móng tay. Những thợ làm móng nên dùng khẩu trang, đeo găng tay mỏng khi tiếp xúc với thuốc sơn.
Sau khi sơn xong cần làm sạch tay chân. Nên thực hiện ở nơi thoáng khí để tránh hít phải aceton. Không nên sơn móng thường xuyên để giảm bớt thời gian tiếp xúc với hóa chất độc hại.
Theo Nhật Phong/GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/doc-chat-trong-son-mong-tay-anh-huong-den-gan-HHCV69j7R.html