Hàng ngàn người trên thế giới đã và đang ủng hộ nhịn ăn ngắt quãng khi cho rằng cách này giúp họ giảm cân tốt hơn các chế độ ăn kiêng khác.
Nhịn ăn ngắt quãng không chỉ đơn giản mà còn rất linh hoạt, có thể dễ dàng điều chỉnh cho phù hợp với cơ địa của mỗi người. Nó cũng không yêu cầu chỉ định những loại thực phẩm mà một người nên ăn hoặc tránh và cũng không yêu cầu phải tính toán lượng calo nạp vào cơ thể.
Có nhiều kiểu nhịn ăn ngắt quãng khác nhau, bao gồm nhịn ăn xen kẽ ngày, ăn kiêng 5:2 (ăn bình thường 5 ngày/tuần, sau đó nhịn ăn hoặc hạn chế calo trong 2 ngày) và ăn uống hạn chế thời gian (ăn trong tất cả các ngày nhưng chỉ trong một thời gian nhất định, chẳng hạn chỉ ăn trong khoảng thời gian 8 giờ và nhịn trong 16 giờ).
"Mặc dù đã và đang được hàng ngàn người ủng hộ nhưng chưa có nghiên cứu nào cho thấy nhịn ăn gián đoạn tốt hơn chế độ ăn kiêng khác khi giảm cân" - David Clayton, giảng viên cao cấp về Sinh lý học dinh dưỡng và tập thể dục tại Trường ĐH Nottingham Trent (Anh), cho biết.
Thực tế nhịn ăn gián đoạn vừa làm giảm số lượng hoạt động thể chất mà chúng ta thực hiện vừa giảm mức độ chúng ta gắng sức trong khi tập thể dục. Do đó, cơ thể sẽ thích nghi bằng cách giảm số lượng calo sử dụng trong quá trình tập luyện.
"Điều này chưa chắc giúp giảm cân nhưng có thể tác động tiêu cực đến sức khoẻ như giảm khối lượng cơ. Khối lượng cơ rất quan trọng, bao gồm điều chỉnh lượng đường trong máu và duy trì thể chất. Vì vậy, các chế độ ăn kiêng nói chung khiến giảm cơ thì tốt nhất nên tránh" - chuyên gia David Clayton khẳng định - "Tuy nhiên, kết hợp nhịn ăn gián đoạn với các chương trình tập thể dục - chẳng hạn như tập luyện sức đề kháng - có thể giúp bạn duy trì tốt hơn khối lượng cơ nạc, đồng thời giảm mỡ".
Nhịn ăn gián đoạn chưa chắc giúp giảm cân hiệu quả như nhiều người vẫn nghĩ. Ảnh: Iflscience
Mặc dù nhịn ăn gián đoạn có thể không phải là một giải pháp thần kỳ khi giảm cân nhưng nó vẫn có những lợi ích khác đối với sức khỏe.
Một đánh giá gần đây cho thấy việc nhịn ăn gián đoạn giúp cải thiện huyết áp, độ nhạy insulin (cơ thể điều chỉnh lượng đường trong máu) và giúp giảm cholesterol xuống mức tương tự như việc hạn chế calo hàng ngày.
Ăn uống hạn chế thời gian (thường không ăn sau 16 giờ chiều) cũng đã được chứng minh là cải thiện một số dấu hiệu của sức khỏe, chẳng hạn như độ nhạy cảm với insulin - vốn là yếu tố nguy cơ chính của bệnh tiểu đường loại 2.
Theo Bằng Hưng/ Người lao động ( Nguồn Iflscience )
https://nld.com.vn/suc-khoe/nhin-an-ngat-quang-co-phai-la-cay-dua-than-giam-can-2022061709555042.htm