Liên tiếp nhiều vụ trẻ chết tức tưởi vì cha hoặc mẹ trầm cảm khiến nhiều người xót xa và giật mình. Thế nhưng nhiều người vẫn cho rằng trầm cảm là chuyện của 'ai đó'...
Ảnh: UNICEF Việt Nam/Trương Việt Hùng
Những cái chết đau lòng
Khi trong đầu xuất hiện ý định muốn từ bỏ cuộc sống, N. đã giật mình và đề nghị được đưa đi khám nhưng mẹ N. gạt đi, xem đây là chuyện “vớ vẩn, không cần thiết”.
Cuối cùng, nhờ một người chị họ thuyết phục gia đình, N. may mắn được can thiệp kịp thời trước khi bệnh trầm trọng hơn. Thế nhưng không phải ai cũng được may mắn như N..
Ngày 14-6-2022, một bé trai 2 tháng tuổi rơi từ tầng 5 Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM), và theo điều tra ban đầu, bé bị chính mẹ mình thả xuống và người mẹ này có dấu hiệu trầm cảm. Người mẹ đã bị tạm giữ.
Trước đó một ngày, sáng 13-6-2022, người dân phát hiện hai cha con chết trong chung cư ở Thủ Đức. Bước đầu công an xác định người cha bị trầm cảm đã treo cổ con rồi sau đó tự tử.
Tháng 2-2022, chị Lê Thị H. (ở Hà Tĩnh) sau khi chém đứa con hơn 2 tháng tuổi ngay tại nhà, chị H. có ý định xách xe đi tự tử nhưng được người dân phát hiện giữ lại. Nguyên nhân ban đầu đươc xác định là chị H. bị trầm cảm sau sinh nên đã dùng dao chém cháu bé.
Đứa trẻ ra đi khi vừa đến với thế giới không lâu, người mẹ ở lại vướng vào vòng lao lý, còn gia đình lúc này mới biết rằng trầm cảm có "sức mạnh" kinh khủng đến vậy...
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hoàng - giám đốc Công ty TNHH Nghiên cứu và ứng dụng tâm lý DR.PSY - cho biết tự tử là một phương thức thể hiện rõ ràng của một tổn thương tâm lý nặng nề, người tự tử thường ở trong trạng thái cùng quẫn và bế tắc. Hiện nay hiện tượng tự tử nói chung, bố mẹ tự tử cùng với con cái nói riêng ngày càng xuất hiện nhiều.
"Những lý do cần quan tâm đến là yếu tố sinh lý (hệ thần kinh) và yếu tố xã hội (các mối quan hệ xã hội, gia đình…). Sẽ khó để nói rằng yếu tố nào có ảnh hưởng nhiều hơn đến quyết định tự tử của một người.
Ở những người tự tử cùng người thân (con cái, vợ chồng…), thường họ coi những người thân của mình là người yêu thương nhất, quan trọng nhất, hoặc là người có ảnh hưởng đến trạng thái sức khỏe, cảm xúc của họ và họ muốn 'mang theo'.
Hoặc họ cũng muốn họ là người bảo vệ duy nhất và tốt nhất cho người thân đó trước những điều mà họ cho là tác động xấu từ phía môi trường sống. Một số khác cho rằng việc chết đi có thể được 'đầu thai' ở một cuộc sống khác tốt đẹp hơn...", chuyên gia nhận định.
Chúng ta đang thờ ơ với sức khỏe tâm thần?
Ông Hoàng cho biết con người ngày nay ngày càng đối diện với nhiều áp lực trong cuộc sống. Thế nhưng dễ nhận thấy mọi người chưa thực sự quan tâm đến sức khỏe tâm thần.
Những biểu hiện ban đầu của người bị trầm cảm khá mơ hồ, chỉ là những tâm trạng buồn bã, chán nản, khó tìm được niềm vui trong cuộc sống. Sau đó, tâm trạng này kéo dài khiến người bệnh giảm hứng thú trong gần như mọi hoạt động.
Họ có thể có biểu hiện tăng cân hoặc giảm cân dù không thay đổi chế độ ăn uống; bị mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều... Tình trạng nghiêm trọng hơn khi người bệnh luôn có cảm giác vô dụng, suy nghĩ về cái chết và ý định tự tử bắt đầu xuất hiện.
Ngoài những dấu hiệu trên, người trầm cảm còn có những biểu hiện khác nhau tùy vào giới tính, độ tuổi. Thông thường nam giới bị trầm cảm không có đa sầu yếu đuối như phụ nữ mà ngược lại họ có thể trở nên bạo lực hơn.
Nếu những dấu hiệu kéo dài trên 2 tuần, người bệnh nên được đưa đến gặp chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần để có sự can thiệp kịp thời.
Theo bác sĩ Hồ Thu Yến, Viện Sức khỏe tâm thần, đa số các vụ tự tử có thể đề phòng được qua việc theo dõi quan sát tế nhị và sát sao, xử lý thích đáng và kịp thời.
"Nhiều gia đình bận công việc hoặc thiếu hiểu biết, không nhận thức được vai trò của việc chăm sóc tinh thần cho con cái, cho người thân. Vì vậy khi người thân có những dấu hiệu bất ổn về tâm lý, họ đã không nhận ra. Từ đó để vuột cơ hội vàng can thiệp, ngăn ngừa người có những hành vi làm hại bản thân.
Theo nghiên cứu, người có hành vi tự tử phần lớn sẽ có đủ tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn tâm thần tại thời điểm đó. Rối loạn này có thể điều trị ổn định được. Trong quá trình điều trị, cần có sự tham gia hỗ trợ của gia đình, các nhà chuyên môn", bác sĩ Yến thông tin.
Theo ông Hoàng, người thân và bạn bè phải là những người "kéo" bệnh nhân trầm cảm ra khỏi "vòng xoáy".
"Cuộc sống hiện đại ngày càng khiến chúng ta không có thời gian dành cho người thân. Chúng ta cũng luôn có mọi lý do để biện hộ cho việc đó. Tuy nhiên có khi chỉ cần một, hai lần 'bỏ bê cảm xúc' đã có thể khiến nhiều người phải hối hận khi sự việc không may xảy đến.
Với những người bị trầm cảm, họ khép kín và luôn cáu gắt, thu mình với xung quanh. Bạn bè, người thân khi nhận thấy những biểu hiện khác thường đó hãy lắng nghe, chia sẻ với họ để họ biết rằng bạn vẫn quan tâm đến họ và thấu hiểu những điều họ đang trải qua.
Không phán xét, chỉ trích hay đổ lỗi cho họ. Nếu họ chưa sẵn sàng nói chuyện, hãy nói với người ấy rằng bạn luôn sẵn sàng để lắng nghe khi họ cần", ông Hoàng đề nghị.
Lưu ý trầm cảm do yếu tố di truyền Bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến (phòng trẻ em và thanh thiếu niên, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) thông tin đã có nghiên cứu cho thấy những rối loạn cảm xúc và hành vi tự tử ở cha mẹ với tự tử ở con cái liên quan đến yếu tố môi trường và yếu tố gene. "Nguy cơ tự tử ở thanh thiếu niên tăng khi có gia đình có tiền sử rối loạn cảm xúc và có hành vi tự tử. Bên cạnh đó, những trẻ từng toan tự tử sẽ có nguy cơ cao hơn cho những lần tự tử tiếp theo. Bên cạnh đó, lạm dụng rượu và ma túy cũng gia tăng nguy cơ tự tử. Khoảng 25-46% những người đã tự tử và 20% những người toan tự tử được phát hiện có rượu và chất ma túy trong cơ thể tại thời điểm tự tử", bác sĩ Yến thông tin. Dựa vào những nghiên cứu trên, các bác sĩ khuyến cáo với những gia đình có tiền sử rối loạn cảm xúc và có hành vi tự tử nên chú ý theo dõi con cái để có sự quan tâm, can thiệp kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc. |
Theo Dương Liễu/ Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/nhung-dua-tre-chet-tuc-tuoi-vi-nguoi-lon-tram-cam-chung-ta-da-qua-tho-o-20220616154741145.htm