190
/
129445
Bệnh nhân lãnh đủ vì thiếu thuốc, vật tư y tế
benh-nhan-lanh-du-vi-thieu-thuoc-vat-tu-y-te
news

Bệnh nhân lãnh đủ vì thiếu thuốc, vật tư y tế

Thứ 3, 14/06/2022 | 10:16:00
3,031 lượt xem

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đang diễn ra ở nhiều bệnh viện trên khắp cả nước. Và bị ảnh hưởng lớn nhất là người bệnh khi họ bị tước quyền lợi khi khám chữa bệnh vì không được hưởng các loại thuốc, vật tư y tế mà bảo hiểm y tế chi trả.

Bệnh nhân lãnh đủ vì thiếu thuốc, vật tư y tế - Ảnh 1.

Thuốc điều trị bệnh khan hiếm tại nhiều bệnh viện. Trong ảnh: một bệnh nhân khám ở bệnh viện tại Cần Thơ phải ra ngoài mua một số thuốc vào chiều 13-6 - Ảnh: TỰ TRUNG

Có người bệnh sát giờ mổ còn phải đi mua từng cây kim truyền dịch với giá chỉ 3.000 đồng mỗi cây kim.

Thiếu thuốc: nguy to!

Khoảng 6h30 sáng 13-6, ông Nguyễn Văn T. (84 tuổi, quận Tân Phú, TP.HCM) thức giấc, chống gậy đi đến trạm y tế cách nhà hơn 1km khám chứng viêm khớp kinh niên. 

Ông được bác sĩ chẩn đoán bị đau lưng, đau dây thần kinh tọa, mệt mỏi và viêm khớp. Nhưng ông T. phải mang đơn của bác sĩ kê ra ngoài mua thuốc, bởi từ vài tháng nay trạm y tế thông báo không còn thuốc bảo hiểm y tế. 

Cầm toa thuốc ghi rõ "toa mua ngoài" với 2 loại thuốc phải mua, ông T. nói: "Mấy tháng nay tôi được trạm y tế báo không có thuốc nên đành nhịn ăn sáng lấy tiền mua thuốc. Nhịn đói không chết, chứ thiếu thuốc là nguy to!".

Tương tự, trưa 13-6 tại Bệnh viện K3 Tân Triều (Hà Nội), giữa trưa nắng bà N.T.H. (ngụ tỉnh Hải Dương) tất tả chạy xuống nhà thuốc bệnh viện hỏi mua kim truyền dịch cho người nhà. Ngay sau đó bà H. được hướng dẫn ra ngoài bệnh viện để mua vì nhà thuốc không bán. Bà H. mua liền 10 cây kim luồn với giá 3.000 đồng/cây để dùng dần, đỡ phải đi lại nhiều lần.

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc người bệnh phải tự mua kim truyền dịch hay một số vật tư y tế khác đã xảy ra khoảng một năm gần đây. 

Theo lãnh đạo một bệnh viện tại Hà Nội, danh mục vật tư y tế và thuốc đã có cụ thể, phân chia rõ những hạng mục nào phải đấu thầu tập trung, hạng mục nào tự mua. Ví dụ kim truyền dịch là loại vật tư bệnh viện có thể tự mua nhưng hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. 

"Các bệnh viện làm đúng quy trình mua vật tư y tế nên mất nhiều thời gian hơn, bên cạnh đó một số doanh nghiệp cung ứng trang thiết bị y tế chưa phục hồi sau COVID-19. Vì vậy một số nguồn hàng cung ứng "quen" đã bị gián đoạn. Thêm vào đó, hiện việc nhập khẩu cũng khó khăn do thủ tục nhập cảnh và một số nước hạn chế xuất khẩu các loại thuốc men, vật tư y tế này", vị này nhận định.

Bệnh nhân lãnh đủ vì thiếu thuốc, vật tư y tế - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn T. (84 tuổi, quận Tân Phú, TP.HCM) đến khám tại Trạm y tế phường Tân Quý (quận Tân Phú) được thông báo nhiều loại thuốc thường xuyên hết - Ảnh: THU HIẾN

"Đang đàm phán, khi nào có thì báo"

Nói về việc thiếu thuốc điều trị, ông Đỗ Văn Dũng, trưởng khoa y tế công cộng ĐH Y dược TP.HCM, cho biết hiện nay danh mục thuốc bảo hiểm y tế ở trạm y tế rất ít, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cả bệnh nhân và nhân viên y tế. 

Còn về phía bệnh viện, theo ông Dũng, nguyên nhân thiếu thuốc là do hiện nay một số mặt hàng đã tăng giá, việc đấu thầu khó, trong thời điểm nhạy cảm bệnh viện phải làm thủ tục rườm rà. Việc đấu thầu thuốc chậm đã ảnh hưởng đến bệnh nhân. 

"Để giải quyết vấn đề này, ngành y tế TP.HCM cần phải đẩy nhanh việc xét duyệt, hướng dẫn hồ sơ thầu nhanh chóng cung ứng thuốc cho bệnh nhân", ông Dũng đề xuất.

Giám đốc một bệnh viện tuyến trung ương tại Hà Nội cũng cho hay bệnh viện đang thiếu nhiều loại thuốc nhưng gửi văn bản lên Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia thì nơi này có văn bản trả lời: đang đàm phán, khi nào có thì báo bệnh viện mua, còn hiện nay bệnh viện cứ làm theo quy định của pháp luật. "Chúng tôi có hỏi đấu thầu tập trung tại địa phương nhưng các đơn vị cũng nói không làm được. Còn việc đấu thầu tại bệnh viện đều đang bị vướng nhiều thứ. Do đó bệnh nhân phải đi mua từ cái dây, kim truyền dịch trở đi", vị giám đốc nói thêm.

Đại diện Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết cũng đang thiếu nhiều loại thuốc như các bệnh viện trên cả nước. Để giải quyết tình trạng thiếu một số thuốc, Bệnh viện Bạch Mai đã liên hệ với các bệnh viện lân cận để điều phối, trong một nhóm chung các bệnh viện, ai có mà bệnh viện khác cần thì điều chuyển. Tuy nhiên, đại diện Bệnh viện Bạch Mai cũng thừa nhận trường hợp thiếu vật tư y tế thì khó giải quyết hơn thiếu thuốc. "Muốn cũng mua không dễ bởi nếu mua thì cách nào cho chuẩn giá. Như giá niêm yết mà công ty đăng trên trang công khai giá của Bộ Y tế có chuẩn không, giá trúng thầu ở các đơn vị khác có chuẩn không để tham khảo", vị này than thở.

Vướng ở đâu?

Theo nhiều lãnh đạo bệnh viện lớn trên toàn quốc, nguyên nhân dẫn đến việc thiếu thuốc hiện nay, thứ nhất là do giá nền các loại vật tư y tế và thuốc hiện nay chưa được quy định, niêm yết rõ ràng. Do đó các đơn vị, bệnh viện rất e ngại trong việc tổ chức đấu thầu mua sắm. 

Thứ hai là hiện có rất nhiều loại thuốc đặc trị, thuốc kê toa theo đơn do bảo hiểm y tế chi trả đã hết hạn đăng ký lưu hành nhưng chưa được gia hạn. Chính vì vậy không có nhà cung cấp hoặc bệnh viện, các đơn vị muốn đấu thầu, mua sắm cũng không thể thực hiện.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề thiếu vật tư y tế, lãnh đạo Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) nói: "Chúng tôi đã nắm được tình trạng thiếu vật tư y tế tại một số bệnh viện. Theo ghi nhận, các bệnh viện chủ yếu chưa mua sắm các vật tư y tế do lo ngại về giá và cẩn trọng hơn trong việc đấu thầu. Hiện chúng tôi cũng đang rà soát lấy thêm ý kiến các bệnh viện về những khó khăn gặp phải để có hướng giải quyết, không để ảnh hưởng đến người bệnh", vị này thông tin.

Tuổi Trẻ cũng đã liên hệ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để tìm hiểu vì sao ngay tại trạm y tế xã phường cũng đang thiếu thuốc. Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, danh mục thuốc đã có và nguyên nhân thiếu thuốc phát xuất từ phía cung ứng. 

"Bảo hiểm không tổ chức đấu thầu cung ứng thuốc mà chỉ tham gia. Hiện các bệnh viện thiếu thuốc thì Bộ Y tế phải hướng dẫn để nguồn cung ổn định", đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam chia sẻ.

Hiện tại Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia cũng đang triển khai đấu thầu tập trung hơn 100 danh mục thuốc. Ông Lê Thanh Dũng, giám đốc trung tâm này, cho biết đã hoàn tất đánh giá các hồ sơ tham gia từ đầu tháng 6, nhưng ngày 2-6 Bộ Y tế mới ban hành danh mục thuốc được gia hạn giấy phép lưu hành với hơn 6.000 thuốc. 

"Chúng tôi đang lấy ý kiến xem danh mục gia hạn áp dụng từ thời điểm nào. Bởi nếu áp dụng từ đầu năm 2022 thì có thêm 28 danh mục trước đây vì giấy phép của họ hết hạn, coi như hồ sơ trượt, nay họ được gia hạn thì phải đánh giá để họ tham gia thầu. Nếu không có gì thay đổi thì 1 tháng nữa có thể hoàn tất việc đấu thầu mua sắm thuốc tập trung", ông Dũng thông tin.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho rằng việc thiếu thuốc ở bệnh viện, trạm y tế hiện nay liên quan đến công tác đấu thầu tập trung chậm. 

"Thiếu ở các nơi là thiếu một số thuốc thông thường, chúng tôi đấu thầu là các thuốc gốc, biệt dược. Thông tư 15/2019 cũng hướng dẫn trong khi chờ kết quả đấu thầu tập trung quốc gia, có thể đấu thầu tại chỗ và kết quả đó không áp dụng quá 12 tháng", ông Dũng cho biết.

Bệnh nhân lãnh đủ vì thiếu thuốc, vật tư y tế - Ảnh 3.

Bệnh nhân tại Bệnh viện K3 Tân Triều (Hà Nội) phải tự tìm mua các bộ kim truyền dịch bên ngoài bệnh viện - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Theo D.Liễu-L.Anh-Thu Hiền/ Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/benh-nhan-lanh-du-vi-thieu-thuoc-vat-tu-y-te-20220614083439248.htm

  • Từ khóa

Cà phê chiếm vị trí số 1 về tác dụng không ngờ

Mọi người đều biết cà phê ẩn có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nhưng bạn có biết nó còn là tuyệt chiêu trị táo bón.
15:42 - 17/05/2024
725 lượt xem

Bộ Y tế chính thức cấp phép lưu hành vắc xin ngừa sốt xuất huyết

Vắc xin ngừa sốt xuất huyết do Takeda sản xuất, được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam từ ngày 15-5. Đây là vắc xin ngừa sốt xuất huyết đầu tiên được...
11:45 - 17/05/2024
847 lượt xem

Việt Nam tham gia hệ thống ứng phó đại dịch của WHO

Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa khánh thành Trung tâm hợp tác với WHO về chuẩn bị, ứng phó với đại dịch và quản lý lâm sàng các bệnh truyền...
09:45 - 17/05/2024
875 lượt xem

5 lợi ích sức khỏe bất ngờ của ăn tối sớm

Nhiều người trong chúng ta thường ăn tối khá muộn và đây không phải thói quen tốt. Trên thực tế, ăn tối sớm có thể mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe thể...
08:26 - 17/05/2024
921 lượt xem

Phát hiện đột quỵ, ung thư chỉ trong vài phút nhờ ‘siêu máy’ CT 1975 lát cắt

Đây là một trong những máy CT được đánh giá có tốc độ chụp nhanh nhất thế giới tính đến thời điểm này khi chụp 1 trái tim chỉ cần 0,23 giây, chụp toàn...
18:44 - 16/05/2024
1,249 lượt xem