Không chỉ biến smartphone trở thành một ổ nhiễm khuẩn di động, việc sử dụng điện thoại trong khi đi vệ sinh tưởng chừng như vô hại lại mang đến nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Minh Thuận - Bệnh viện ĐKQT Nam Sài Gòn, cho biết nhà vệ sinh là nơi ẩm ướt và mầm bệnh cũng từ đây mà xuất hiện. Việc sử dụng điện thoại trong thời gian đi vệ sinh là thói quen của nhiều người, tuy nhiên thói quen này có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Đi đại tiện trong khoảng 10-15 phút là tốt nhất và tốt nhất không nên sử dụng điện thoại khi vào nhà vệ sinh
Tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng
Cho dù được vệ sinh thường xuyên thì nhà vệ sinh vẫn còn sót lại một số lượng lớn những vi khuẩn có hại cho sức khỏe.
Ít ai để ý rằng việc dù bạn có rửa tay sạch đến đâu trước khi rời khỏi nhà vệ sinh thì chiếc điện thoại kia vẫn còn nguyên vi khuẩn, thậm chí thay đổi môi trường còn khiến vi khuẩn sinh sôi nhanh hơn.
"Một vòng lây nhiễm khi bạn đi vệ sinh và sử dụng điện thoại: vi khuẩn từ nhà vệ sinh - bám lên điện thoại - chạm đến tay - đến miệng - đi vào cơ thể", bác sĩ Thuận phân tích.
Những dạng vi khuẩn thường xuất hiện trong nhà vệ sinh như: viêm gan A, tụ cầu vàng kháng methicillin, streptococcus, e.coli, salmonella, shigella. Ngoài ra, nhà vệ sinh con chứa cả virus cảm cúm thông thường có thể gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của bạn. Không chỉ có vi khuẩn E.coli mà còn hàng tá các loại vi khuẩn nguy hiểm khác cũng từ nhà vệ sinh bám vào điện thoại và theo bạn đi khắp nơi.
Vi khuẩn E.coli có thể gây tiêu chảy ra máu, nhiễm trùng máu, suy thận, nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm màng não mủ, viêm phổi... có thể dẫn đến tử vong.
Vi khuẩn Salmonella có thể gây tiêu chảy, viêm đường ruột, thương hàn, trong trường hợp khuẩn Salmonella lan từ ruột vào máu và các cơ quan khác thì có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Vi khuẩn C.difficile có thể gây tiêu chảy, viêm ruột, có thể dẫn đến tử vong. Các chuyên gia nhận định loại vi khuẩn này đang ngày càng nguy hiểm...
Nhiều tác hại khi vừa đi vệ sinh vừa sử dụng điện thoại SHUTTERSTOCK
Nguy cơ mắc bệnh trĩ và bệnh lý trực tràng
Việc cầm điện thoại ngồi lâu trong nhà vệ sinh làm trọng lượng của cơ thể tác động lên hậu môn làm cho sự lưu thông máu ở các tĩnh mạch trĩ bị ảnh hưởng. Lúc này máu không lưu thông được, tích tụ lại và làm cho các tĩnh mạch trĩ căng phồng lên.
Đối với những người thường bị táo bón, việc ngồi lâu trên bồn cầu gây ứ máu trong khoang chậu khiến sưng tĩnh mạch hậu môn gây hiện tượng chảy máu hậu môn, tăng nguy cơ táo bón, thậm chí gây ung thư đường ruột. Ở mức độ nhẹ, bạn sẽ gặp hiện tượng rối loạn tiêu hóa, rối loạn đại tiện, táo bón hoặc tiêu chảy thất thường.
Tăng nguy cơ thiếu máu não
Theo góc nhìn chủ quan, chúng ta thường thấy dùng điện thoại và việc thiếu máu não không liên quan đến nhau và sẽ càng không liên quan khi sử dụng điện thoại khi đi vệ sinh. Tuy nhiên thực tế thói quen này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Ngồi quá lâu trong tư thế không có chỗ dựa và đặc biệt là chăm chú nhìn vào màn hình sẽ khiến máu bị dồn lại, không thể lưu thông tốt. Do đó, khi đứng lên, máu không kịp lên não, gây ra hiện tượng choáng váng, chóng mặt. Tình trạng này diễn ra liên tục sẽ gây ra tác hại là suy giảm trí nhớ và khiến não thoái hóa nhanh hơn.
Tác động xấu đến xương khớp và chi dưới
Đối với kiểu nhà vệ sinh truyền thống trước đây, ngồi trong nhà vệ sinh, khớp gối phải chịu 1 trọng lượng lớn, đặc biệt khi ngồi xổm áp lực lên gối gấp 8 lần so với khi bạn nằm.
Ngồi xổm chân đặt vuông góc xuống, xương đầu gối ở vị trí vượt quá đầu ngón chân, sẽ làm tăng phần góc khớp gối, tăng áp lực lên dây chằng chéo sau, xương chày. Khi máu lưu thông kém nữa thì dây chằng trong và ngoài càng căng thẳng, gánh nặng lên dây chằng, khớp càng lớn, về lâu dài dễ mắc các bệnh về khớp gối.
Khiến mụn xuất hiện nhiều hơn
Một số loại vi khuẩn như tụ cầu vàng có thể gây ngộ độc thực phẩm và xuất hiện mụn trứng cá. Thường xuyên đem điện thoại vào nhà vệ sinh khiến điện thoại dính nhiều vi khuẩn.
Trong quá trình sử dụng điện thoại như dùng tay bấm, nghe điện thoại... vô tình khiến vi khuẩn tiếp xúc với da mặt nhiều hơn, tăng nguy cơ viêm nhiễm, hình thành nhân mụn.
Theo Lê Cầm/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/bac-si-noi-ve-tac-hai-cua-viec-su-dung-dien-thoai-trong-khi-di-ve-sinh-post1465132.html