Anh L.V.S (35 tuổi, ngụ TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) từng mắc Covid-19 vào giữa tháng 1, đến ngày 21.3 vừa qua, trong đợt lấy mẫu định kỳ của cơ quan, anh S. bất ngờ khi thấy kit test hiện hai vạch.
Tái nhiễm trong 2, 3 tháng
“Tôi đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin phòng Covid-19 và đã mắc Covid-19 một lần nhưng không hiểu sao chỉ trong vòng 2 tháng đã tái nhiễm. Trong lần nhiễm này, tôi không có triệu chứng, nếu không xét nghiệm định kỳ chắc tôi sẽ không biết mình nhiễm”, anh S. nói.
Tuy nhiên, con trai 3 tuổi của anh S. trong lần tái nhiễm này thì ho nhiều hơn. Dù anh S. và vợ không có triệu chứng gì nghiêm trọng trong lần tái nhiễm này, nhưng anh lo lắng con sẽ bị di chứng sau 2 lần mắc Covid-19.
Nhiều người tái nhiễm Covid-19 trong vòng 2, 3 tháng C.ANH
Tương tự, Anh Đ.V. T (30 tuổi, ngụ TPHCM), sau khi cách ly đủ 14 ngày thì phát hiện mắc Covid-19 vào đầu tháng 8.2021. Tại thời điểm này anh chưa tiêm vắc xin Covid-19. Anh nhập viện điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Vĩnh Hòa B, có những thời điểm hôn mê, SpO2 tụt xuống dưới 80, phải thở máy. Sau hơn một tháng điều trị, đến ngày 11.9 anh được xuất viện về nhà, tuy nhiên vẫn còn triệu chứng mệt mỏi và dễ mệt khi vận động mạnh.
Sau khi trải qua cơn thập tử nhất sinh do Covid-19, anh T. bắt đầu tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19 vào tháng 12.2021 và tháng 2.2022. Tuy nhiên đến ngày 12.3, anh T. phát hiện mình tái nhiễm. Rất may, tình trạng bệnh nhẹ hơn so với lần nhiễm trước.
"Trong lần tái nhiễm này, may mắn chỉ có sốt nhẹ và ho, âm tính sau 4 ngày. Tôi chỉ lo lắng di chứng hậu Covid-19 vì hiện giờ đã âm tính nhưng vẫn còn ho, người dễ mệt", anh T. chia sẻ.
Trường hợp của anh N.V.Đ (ngụ Phú Nhuận, TP.HCM) thì phát hiện dương tính lần hai trong vòng 3 tháng.
“Tôi khỏi bệnh vào cuối tháng 12.2021, tái nhiễm Covid-19 vào giữa tháng 3. Hiện tôi và 2 con nhỏ đã âm tính nhưng vẫn còn ho nhiều nên tôi vẫn lo”, anh Đ. cho hay.
Sức đề kháng khác nhau ở mỗi người
Bác sĩ Nguyễn Phương Thy, Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết sau khi khỏi Covid-19, cơ thể người bệnh sẽ sản sinh ra kháng thể để chống lại virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, một số bệnh nhân vẫn có thể nhiễm Covid-19 lần 2, thậm chí lần 3, 4 sau khi khỏi bệnh.
Thường xuyên tập thể dục giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể SHUTTERSTOCK
Bởi sau khi khỏi Covid-19, hệ miễn dịch của chúng ta sẽ sinh kháng thể và các tế bào miễn dịch có khả năng chống lại virus. Nhưng sự đề kháng này khác nhau ở mỗi người, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, khả năng sinh kháng thể của mỗi cá nhân. Người trẻ, có sức khỏe tốt, không bệnh nền, ăn uống khoa học, ngủ nghỉ hợp lý sẽ sinh kháng thể tốt hơn những người mắc bệnh về hệ miễn dịch hoặc đang mắc các bệnh cấp tính.
Và điều quan trọng nhất, khả năng miễn dịch này không đảm bảo cho chúng ta không bị tái nhiễm, mà nó chỉ có tác dụng bảo vệ chúng ta khỏi những thể bệnh nặng, giảm biến chứng và nguy cơ tử vong.
“Giống như một bệnh nhân từng mắc cúm vẫn có thể tái nhiễm cúm, một bệnh nhân từng viêm da do liên cầu, tụ cầu thì vẫn có nguy cơ bị nhiễm tụ cầu, liên cầu lần nữa, những người từng chữa khỏi H.Pylori vẫn có thể nhiễm H.Pylori, một người từng khỏi bệnh lao vẫn có thể bị lao lần nữa. Và điều này đúng cho hầu hết các loại virus và vi khuẩn”, bác sĩ Thy chia sẻ.
Ngoài ra, với những biến thể mới của Covid-19 thay đổi liên tục, tình trạng tái nhiễm gần đây ngày càng phổ biến. Với mỗi lần nhiễm sau, mỗi một biến thể virus sẽ có một đặc tính kháng nguyên khác nhau và khác với những biến thể trước đã tạo kháng thể trong cơ thể (nếu có). Chính vì vậy kháng thể bảo vệ sẽ thấp hơn với những biến chủng mới sau này, làm người bệnh dễ tái nhiễm dù đã mắc Covid-19.
Theo bác sĩ Thy, thực tế rất nhiều người đã tiêm 3 mũi vắc xin phòng Covid-19 nhưng vẫn bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc bệnh nhân Covid-19 mà không đảm bảo 5K. Nhưng rõ ràng, bệnh nhân đã tiêm vắc xin thường bị nhẹ, ít thở máy, ít tử vong hơn so với người chưa tiêm. Bằng chứng là đợt dịch này khi đa phần người dân đã được tiêm 2, 3 mũi vắc xin phòng Covid-19, số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 rất nhiều nhưng tử vong lại rất thấp so với những đợt dịch trước khi mà chưa có vắc xin.
Người bệnh sau khi mắc Covid-19 nhiều lần ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
Có khoảng 200 triệu chứng liên quan đến hội chứng hậu Covid-19, đặc biệt ở những người bệnh đã trải qua điều trị hồi sức tích cực. Người nhiễm Covid-19 nhiều tuần đến nhiều tháng sau khi khỏi bệnh vẫn còn đối mặt với hàng loạt triệu chứng và di chứng kéo dài như sốt nhẹ, khó thở, ho kéo dài, mệt mỏi, đau cơ, khớp, rụng tóc, xơ phổi, tim đập nhanh hoặc đánh trống ngực, rối loạn nội tiết, huyết học bị huyết khối… Có trường hợp xuất hiện rối loạn tiêu hóa (ăn không ngon miệng, chán ăn, đau dạ dày, tiêu chảy…), rối loạn vị giác hoặc khứu giác, phát ban…
Một số người khỏi bệnh sau khi mắc Covid-19 nghiêm trọng có thể gặp phải các ảnh hưởng xấu tới đa cơ quan hoặc bệnh tự miễn dịch trong một thời gian dài, kèm theo các triệu chứng trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng.
Không chỉ biểu hiện bằng các triệu chứng lâm sàng kể trên, người bệnh còn có thể xuất hiện những bất thường cận lâm sàng cần được thăm khám sức khỏe sớm.
Người mắc Covid-19 nhiều lần sẽ làm tăng nguy cơ mắc hậu Covid-19, gây phiền toái kéo dài.
“Để hạn chế nguy cơ tái nhiễm Covid-19 người dân cần tiêm vắc xin đủ mũi, tăng cường sức đề kháng thông qua việc ăn uống, ngủ nghỉ khoa học, bảo vệ cơ thể không để mắc các bệnh lây nhiễm khác, đảm bảo 5K”, bác sĩ Thy khuyến cáo.
Theo Cát Anh/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/dung-chu-quan-vi-ban-co-the-tai-nhiem-covid-19-nhieu-lan-post1441236.html