Theo Đông y, rau càng cua có tác dụng bổ âm huyết, thanh nhiệt, giải độc, thông ứ, chỉ thống và lợi tiểu. Thực phẩm này có thể sử dụng như một bài thuốc điều trị nhiều bệnh.
Rau càng cua (tên khoa học Peper Pellucidum) là một loài thảo mộc có rễ nông, mọc quanh năm và thường có chiều cao khoảng 15-45 cm, có thân mọng nước, lá hình tim, hạt nhỏ dễ phát tán đi xa. Khi nghiền nát, rau có mùi như mù tạt. Rau càng cua thuộc họ hồ tiêu, họ cây có khoảng 12 chi với 3.000 chủng loại.
Với đặc tính sinh sôi và phát triển nhanh chóng, rau càng cua thường mọc dại khắp nơi ở Việt Nam, nên giá trị thương mại của thực phẩm này không cao. Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng, tại Nhật Bản, rau càng cua lại được săn lùng và bán với mức giá "trên trời".
Ngoài hương vị thơm ngon, rau càng cua còn được ưa chuộng vì những lợi ích cho sức khỏe. Thành phần của rau càng cua có 92% là nước, 8% còn lại là các vitamin và khoáng chất. Theo Đông y, rau càng cua có tác dụng bổ âm huyết, thanh nhiệt, giải độc, thông ứ, chỉ thống và lợi tiểu. Thực phẩm này có thể sử dụng như một bài thuốc điều trị nhiều bệnh.
- Chống viêm: Một nghiên cứu trên chuột cho thấy, chiết xuất từ loại rau này có tác dụng kháng viêm và giảm đau do giàu chất prostaglandin tổng hợp. Bên cạnh đó, rau càng cua còn có tác dụng hạ sốt.
- Ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư: Một nghiên cứu đã tiến hành tách các hợp chất từ rau càng cua và phát hiện ra loại rau này có thể ức chế sự phát triển của một số tế bào ung thư, đặc biệt là ung thư tuyến vú. Điều này cho thấy tiềm năng của rau càng cua trong việc điều chế các loại thuốc điều trị ung thư.
- Ngăn ngừa viêm khớp: Các nhà khoa học đã chứng minh, chiết xuất từ rau càng cua kết hợp với thuốc Ibuprofen có thể giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng của viêm khớp, đặc biệt là viêm khớp gối.
- Chống oxy hóa: Rau càng cua có khả năng thu gom và tiêu hủy các gốc tự do có hại cho cơ thể. Ngoài ra, chất beta caroten trong loại rau này còn là một chất chống oxy hóa tuyệt vời, giúp làm chậm quá trình lão hóa của các tế bào.
- Điều trị vết thương ngoài da: Do có tính sinh tân, giải nhiệt, nhiều chất bổ, vị hơi chua và mọng nước, rau càng cua có tác dụng giải khát tuyệt vời. Ngoài ra, thảo dược này còn có khả năng chữa trị các bệnh ngoài da rất tốt, nhất là bệnh ghẻ lở. Cách dùng là giã nát rau và vắt lấy nước, thêm một chút muối, sau đó chấm vào vết thương trong nhiều ngày liên tục.
Lưu ý khi ăn rau càng cua
Mặc dù có nhiều công dụng cho sức khỏe, nhưng loại rau này vẫn là "khắc tinh" của một số trường hợp. Điển hình như người mắc bệnh sỏi thận thì không nên ăn rau càng cua, bởi lẽ thực phẩm này chứa hàm lượng canxi cao, gây cản trở quá trình điều trị bệnh. Bên cạnh đó, rau càng cua cũng được khuyến cáo là không nên dùng cho người bị rối loạn tiêu hóa. Lý do bắt nguồn từ tính hàn của loại rau này sẽ khiến tình trạng tiêu chảy trở nên nghiêm trọng hơn.
Theo Minh Nhật/ Dân Trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/loai-rau-dai-o-viet-nam-lai-co-tac-dung-phong-chong-ung-thu-20220225173222286.htm