190
/
123959
F0 bị đỏ mắt: Triệu chứng không nên chủ quan
f0-bi-do-mat-trieu-chung-khong-nen-chu-quan
news

F0 bị đỏ mắt: Triệu chứng không nên chủ quan

Thứ 5, 10/02/2022 | 08:37:00
1,495 lượt xem

Ho, đau họng, sổ mũi hay sốt là triệu chứng phổ biến của bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, một số F0 lại xuất hiện triệu chứng đỏ mắt. Vậy triệu chứng này có nguy hiểm không và khi nào cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa?

F0 xuất hiện triệu chứng đỏ mắt - Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Chị Nguyễn Huệ (Hà Nội) mắc COVID-19 đến ngày thứ 5 xuất hiện triệu chứng mất khứu giác, kèm theo hai mắt bị đỏ. "Tôi không sốt hay sổ mũi như triệu chứng F0 thường gặp, mà lại bị đỏ mắt. Tôi rất lo lắng không biết mắt đỏ như vậy có phải bệnh đang tiến triển nặng hay không?", chị Huệ hoang mang.

Cũng giống chị Huệ, anh T.T. (Gia Lâm, Hà Nội) cũng có triệu chứng đỏ mắt. Tuy nhiên anh T. lại xuất hiện triệu chứng này trước khi dương tính với COVID-19. "Tôi thấy hai mắt bắt đầu đỏ được vài ngày, sau đó test nhanh thì dương tính COVID-19. Đến nay sau 5 ngày dương tính mắt vẫn đỏ, tuy nhiên không thấy đau và nhìn vẫn rõ", anh T. nói.

Lý giải về triệu chứng đỏ mắt của bệnh nhân nhiễm COVID-19, TS.BS Hoàng Thanh Tuấn - Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, Học viện Quân y - cho biết mắt đỏ là do các mạch máu trong mắt sưng to, giãn ra, đây là biểu hiện của tình trạng bệnh lý nhãn khoa hay hệ thống.

Triệu chứng ở mắt có thể xuất hiện sớm hoặc muộn và sự lây truyền virus qua lớp phim nước mắt có thể tồn tại thậm chí sau khi người bệnh đã hồi phục khỏi COVID-19.

Bệnh nhân có triệu chứng đỏ mắt biểu hiện các phần màu trắng của mắt trở thành màu hồng hoặc đỏ, không gây khó chịu hoặc mắt có thể bị đau, cảm giác ngứa hoặc cộm, chảy nhiều nước mắt và nhiều gỉ mắt.

Theo bác sĩ Tuấn, khoảng 11% người mắc COVID-19 có các triệu chứng đỏ mắt, thường gặp nhất là viêm kết mạc, chiếm 89%. Viêm kết mạc là một bệnh nhiễm trùng mắt thường gặp, nguyên nhân do virus hoặc vi khuẩn, đôi khi do một số tác nhân kích ứng, có thể dễ dàng điều trị và tránh được.

Trong một số trường hợp, nếu bệnh nhân có tình trạng viêm màng bồ đào trước (là một tình trạng viêm phần trước nhãn cầu), nó có thể liên quan đến bệnh lý đáp ứng viêm hệ thống đa cơ quan.

Ngoài ra, COVID-19 có thể gây ảnh hưởng lên võng mạc và hắc mạc (phần phía sau nhãn cầu) thông qua tình trạng thiếu máu, viêm mạch, tổn hại tế bào nội mô mạch máu võng mạc, có thể gây nên tình trạng tắc tĩnh mạch võng mạc, nặng hơn là tắc động mạch võng mạc gây mù không hồi phục.

Nếu thiếu máu tổn hại một phần võng mạc có thể gây nên triệu chứng mất một vùng nhìn, bệnh nhân không thể thấy rõ một vùng thị trường. Các triệu chứng khác có thể có ở phía sau nhãn cầu bao gồm thoái hóa võng mạc, viêm màng bồ đào sau, tổn thương đa ổ trên võng mạc.

Nguy hiểm hơn, bệnh nhân COVID-19 gặp tình trạng viêm thần kinh thị do virus xâm nhập trực tiếp vào thần kinh mắt hoặc do cơn bão cytokine. Người bệnh có thể mất thị lực, liếc mắt thì cảm thấy đau, khám thấy phản xạ ánh sáng bất thường và phù gai thị.

F0 bị đỏ mắt: Triệu chứng không nên chủ quan - Ảnh 2.

TS.BS Hoàng Thanh Tuấn tham gia chống dịch tại TP.HCM tháng 8-2021 - Ảnh: NVCC

Bác sĩ Tuấn cho biết thêm, COVID-19 cũng có thể gây ảnh hưởng đến các thần kinh vận nhãn gây nên triệu chứng nhìn đôi, sụp mi, giới hạn vận nhãn… Ngoài ra, nhược cơ mắt cũng hay gặp ở những bệnh nhân gặp triệu chứng hậu COVID-19.

"Bởi vậy, nếu bệnh nhân COVID-19 bị đỏ mắt kèm các dấu hiệu bất thường cần phải có sự đánh giá của bác sĩ chuyên khoa mắt’, bác sĩ Tuấn nhấn mạnh.

Bác sĩ Tuấn khuyến cáo, để phòng tránh di chứng đỏ mắt hậu COVID-19, ngay từ khi mắc bệnh nên chuẩn bị sẵn nước muối sinh lý NaCl 0.9% (loại 10ml) để nhỏ mắt. Nước muối sinh lý có tác dụng rửa trôi virus và các yếu tố gây viêm khỏi bề mặt nhãn cầu, giúp sự hồi lưu nước mắt và hồi phục nhanh hơn trong các trường hợp đau đỏ mắt.

"F0 tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc khác để điều trị đỏ mắt, mà phải theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Không tự ý tra thuốc, xông hơi. Thời điểm và liều lượng sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt, thuốc tra mắt kháng sinh, kháng viêm rất quan trọng.

Nếu người bệnh sử dụng không đúng có thể khiến bệnh nặng lên hoặc kéo dài hơn, hoặc có các tác dụng phụ khác không mong muốn (khô mắt, tăng nhãn áp, mù mắt). Bệnh nhân cần khám bác sĩ chuyên khoa sớm nếu mắt cảm thấy mờ đi hoặc đau nhức mắt", bác sĩ Tuấn nhấn mạnh.

Ngoài ra, người bệnh cần bồi bổ thể trạng, uống đủ nước, uống thêm các loại vitamin (A, C, E), giữ tinh thần thoải mái, lạc quan, điều trị COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và bác sĩ. Khi tình trạng COVID-19 đỡ hơn, triệu chứng ở mắt cũng sẽ đỡ một phần.

Theo Dương Liễu/ Tuổi Trẻ

https://tuoitre.vn/f0-bi-do-mat-trieu-chung-khong-nen-chu-quan-20220209162807298.htm

  • Từ khóa

Vụ gần 300 ca ngộ độc nghi do ăn bánh mì ở Vũng Tàu: Bộ Y tế chỉ đạo truy xuất tận gốc

Cục An toàn thực phẩm yêu cầu tổ chức điều tra, xác định rõ nguyên nhân và truy xuất tận cùng nguồn gốc thực phẩm nghi ngờ.
15:59 - 28/11/2024
199 lượt xem

Vì sao một số người ăn nhiều nhưng vẫn gầy?

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cân nặng của một người như đặc điểm tạng người dễ tích mỡ hay khó tích mỡ, tỉ lệ trao đổi chất cơ bản, một số bệnh lý di...
14:31 - 28/11/2024
238 lượt xem

7 cách có thể giảm mỡ bụng trong 10 ngày

Nếu bạn đang hướng tới một vòng eo thon gọn hơn và giảm mỡ bụng, việc thực hiện những thay đổi đơn giản trong thói quen hằng ngày có thể tạo ra sự khác...
13:54 - 28/11/2024
237 lượt xem

Thời tiết miền Bắc chuyển lạnh, coi chừng liệt dây thần kinh số 7

Các bác sĩ cho hay có đến 80% nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số 7 là do bị trúng gió, nhiễm lạnh đột ngột. Hiện nay, thời tiết miền Bắc đang chuyển...
10:20 - 28/11/2024
319 lượt xem

5 cách giúp giảm nguy cơ cận thị khi thường xuyên dùng điện thoại, laptop

Cận thị đang gia tăng ở trẻ em và thanh thiếu niên tại nhiều quốc gia. Nguyên nhân chủ yếu là do sử dụng nhiều các thiết bị điện tử như điện thoại, máy...
08:39 - 28/11/2024
357 lượt xem