Nghiên cứu về tính sinh miễn dịch của vắc-xin AstraZeneca-Oxford trên 554 nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM cho thấy những thay đổi sâu sắc về kháng thể trung hòa ở người tiêm vắc-xin Covid-19, từ đó đặt ra vấn đề về độ cần thiết của "mũi 3".
Nghiên cứu vừa công bố trực tuyến trên tạp chí American Journal of Tropical Medicine & Hygienne (AJTMH) của Hội Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Hoa Kỳ, thực hiện bởi Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM và Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU), đã đo kháng thể trung hòa ở 554 người trong số các nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM được tiêm chủng những mũi vắc-xin ngừa Covid-19 AstraZeneca đầu tiên tại Việt Nam.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM
Như đã thông tin, nhóm nhân viên này được tiêm chủng liều đầu tiên vào tháng 3-2021 và tiếp tục nhận được liều thứ 2 vào khoảng 6 tuần sau đó.
Nhóm nghiên cứu của TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM (Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM vào thời điểm nghiên cứu), đã đo kháng thể nhóm gồm 136 nam và 418 nữ giới (độ tuổi 22-71) vào các thời điểm trước mỗi liều và sau mỗi liều 14 ngày, cũng như mốc 28 và 3 tháng sau liều 1.
Theo đó, kết quả kiểm tra kháng thể trước tiêm không phát hiện kháng thể trung hòa, cho thấy họ chưa từng nhiễm bệnh và chưa từng tiêm chủng bất kỳ loại vắc-xin ngừa Covid-19 nào.
Kháng thể trung hòa là dạng kháng thể bảo vệ tế bào khỏi mầm bệnh bằng cách vô hiệu hóa các tác động sinh học từ virus/vi khuẩn đó.
Sau liều 1, tỷ lệ người tham gia có kháng thể trung hòa được phát hiện tăng từ 27,3% (151 trên 554) ở ngày 14 lên 78,0% (432 trên 554) ở ngày 28. Đặc biệt, độ tuổi của từng người được nghiên cứu tỉ lệ nghịch với mức kháng thể trung hòa, tức tuổi càng cao, khả năng sinh miễn dịch càng thấp.
Vào tuần thứ 6, vừa trước khi tiêm liều thứ 2, tỷ lệ người tham gia nghiên cứu có kháng thể trung hòa ở mức có thể phát hiện là 70,2%, có sự giảm nhẹ so với ngày thứ 28. Tuy nhiên sau liều 2 14 ngày, mức này tăng vọt lên 98,1%.
Vào tháng thứ 3, kháng thể trung hòa trong nhóm này giảm so với mốc 14 ngày sau mũi 2 nhưng tỉ lệ phát hiện được vẫn còn tới 94,7%. Dữ liệu này đã cho thấy sự cần thiết của liều 2 để duy trì và gia tăng tác dụng của liều 1, cũng như sớm đặt vấn đề về sự cần thiết của liều 3.
Nhóm nghiên cứu cũng lưu ý là công trình không xem xét đến khả năng miễn dịch tế bào có được nhờ tiêm chủng, đặc biệt là tế bào T, đang dần được khoa học nhìn nhận về khả năng chống lại virus SARS-CoV-2. Vấn đề này cần được nghiên cứu thêm.
Hiện tại, ngày càng có thêm nhiều bằng chứng khoa học cho thấy sự cần thiết của "mũi 3", gồm liều bổ sung đối với người có thể có đáp ứng miễn dịch kém, và liều tăng cường dành cho tất cả mọi người. Theo quy định hiện hành của Việt Nam, liều bổ sung sẽ được tiêm sau 28 ngày và liều tăng cường tiêm sau 3-6 tháng kể từ mũi 2.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/suc-khoe/nghien-cuu-tu-viet-nam-khang-the-trung-hoa-cao-nhat-sau-mui-2-14-ngay-roi-giam-dan-20220110235527967.htm