Để có được kế hoạch điều trị cụ thể cho từng trường hợp người bệnh, các bác sĩ phải dựa vào kết quả lâm sàng, độ ác tính cũng như xét nghiệm PSA, sau đó xem xét đến thời gian kỳ vọng sống thêm và cuối cùng là phân nhóm nguy cơ.
Chiều 29-11, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết vừa điều trị một người đàn ông ở TP HCM bị ung thư tuyến tiền liệt di căn xương mà không biết.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau đớn, chức năng vận động khó khăn, ngoài ra còn có tiền căn cao huyết áp và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Sau hội chẩn nhiều chuyên khoa và điều trị nội tiết, sức khỏe người đàn ông này cải thiện rõ rệt, giảm đau, lạc quan, ăn uống tốt hơn và đã có khả năng đi lại cũng như tự thực hiện các sinh hoạt cá nhân.
BS Lâm Quốc Trung khám, tư vấn bệnh tuyến tiền liệt ở đàn ông
Theo BSCKII. Lâm Quốc Trung, Phó Khoa Hóa trị ung thư Bệnh viện Đại học Y Dược, tương tự như các loại ung thư khác, điều trị ung thư tuyến tiền liệt là điều trị phối hợp đa mô thức, bao gồm các biện pháp điều trị đặc hiệu tại chỗ như phẫu thuật, xạ trị kết hợp điều trị nội khoa như hóa trị, nội tiết và các biện pháp chăm sóc giảm nhẹ.
Để có được kế hoạch điều trị cụ thể cho từng trường hợp người bệnh, các bác sĩ phải dựa vào kết quả lâm sàng, độ ác tính cũng như xét nghiệm PSA, sau đó xem xét đến thời gian kỳ vọng sống thêm và cuối cùng là phân nhóm nguy cơ.
Hiện nay có nhiều chẩn đoán xác định ung thư tuyến tiền liệt như: thăm khám tuyến tiền liệt bằng ngón tay, xét nghiệm máu PSA, siêu âm bụng, siêu âm qua ngã trực tràng để sinh thiết tuyến tiền liệt. Ngoài ra, kỹ thuật chụp cộng hưởng từ đa thông số, xạ hình xương cũng là một số xét nghiệm quan trọng trong chẩn đoán ung thư đang ở giai đoạn nào, từ đó các bác sĩ có thể lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất cho người bệnh.
Theo Nguyễn Thạnh/Người lao động
https://nld.com.vn/suc-khoe/chan-benh-ban-linh-dan-ong-qua-sieu-am-nga-truc-trang-20211129134949531.htm