Theo CNN ngày 4.11, các nhà khoa học tại Kings College London (Anh) và chính phủ Anh đã nghiên cứu dữ liệu từ tháng 1.2006 - 6.2019 với 7 nhóm phụ nữ nhằm so sánh những người đã được tiêm phòng với những người không được tiêm phòng HPV.
Trước đó, họ xem xét dữ liệu về vắc xin Cervarix, một loại vắc xin ngừa được 2 chủng vi rút HPV gây ung thư. Tuy nhiên, Anh đã ngừng sử dụng vắc xin Cervarix trong nghiên cứu này vào năm 2012. Hiện nay, Anh đã chuyển sang sử dụng vắc xin Gardasil của Mỹ. Loại vắc xin này có thể ngừa được nhiều chủng vi rút gây ung thư hơn.
Vi rút HPV gây ung thư cổ tử cung CHỤP MÀN HÌNH CNN
Trong 3 nhóm đã được tiêm vắc xin ngừa HPV, mỗi nhóm được tiêm ở các độ tuổi khác nhau: 12 - 13, 14 - 16 và 16 - 18. Nghiên cứu báo cáo rằng những người được tiêm chủng ở độ tuổi sớm nhất được bảo vệ tốt nhất. Những người được tiêm phòng trong độ tuổi 12 - 13 giảm được 87% nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung so với những người chưa tiêm phòng; người được tiêm phòng ở độ tuổi 14 - 16 đã giảm được 62% tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ này giảm xuống còn 24% ở những người được tiêm phòng từ 16 - 18 tuổi. Nghiên cứu được công bố trên chuyên san The Lancet ngày 3.11.
“Nghiên cứu này cung cấp bằng chứng trực tiếp đầu tiên về tác động của chiến dịch tiêm phòng HPV ở Anh đối với tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung, cho thấy tỷ lệ ung thư cổ tử cung trong các nhóm được tiêm chủng đã giảm đáng kể. Điều này thể hiện một bước tiến quan trọng trong việc phòng chống ung thư cổ tử cung”, tiến sĩ Kate Soldan từ Cơ quan An ninh y tế Anh, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.
Năm ngoái, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khởi động chiến lược toàn cầu để đẩy nhanh loại bỏ ung thư cổ tử cung, đặt mục tiêu 90% dân số nữ được tiêm phòng HPV đầy đủ vào năm 15 tuổi.
Tháng 1.2021, Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ cũng đã phát động chiến dịch tăng tỷ lệ tiêm phòng HPV. Chiến dịch nhắm mục tiêu cụ thể đến các bang có tỷ lệ tiêm chủng HPV thấp nhất, bao gồm Nam Carolina, Texas và Mississippi. Một báo cáo năm 2021 của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho thấy tỷ lệ ung thư cổ tử cung ở Mỹ đã giảm đáng kể nhờ vắc xin HPV.
HPV là loại vi rút lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất ở Mỹ. Mặc dù bệnh thường tự khỏi, nhưng nhiễm HPV dai dẳng khiến phụ nữ có nguy cơ cao bị ung thư cổ tử cung, ung thư vòm họng. HPV cũng khiến nam giới tăng nguy cơ ung thư hậu môn, ung thư dương vật và ung thư vòm họng.
Theo Nguyễn Lan Hương/Thanh niên
https://thanhnien.vn/tiem-vac-xin-hpv-giam-87-nguy-co-mac-ung-thu-co-tu-cung-post1398917.html