190
/
118639
Những hiểu lầm thường gặp về tiêm nhắc cho trẻ 4-6 tuổi
nhung-hieu-lam-thuong-gap-ve-tiem-nhac-cho-tre-4-6-tuoi
news

Những hiểu lầm thường gặp về tiêm nhắc cho trẻ 4-6 tuổi

Chủ nhật, 24/10/2021 | 09:36:12
1,886 lượt xem

Nhiều phụ huynh không biết rằng kháng thể với bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt trẻ có được từ các mũi tiêm trước 2 tuổi giảm dần theo thời gian, và trẻ cần một liều nhắc lúc 4-6 tuổi.

Những hiểu lầm thường gặp về tiêm nhắc cho trẻ 4-6 tuổi - Ảnh 1.

Một khảo sát gần đây cho thấy, trên 65% phụ huynh nghĩ rằng những mũi tiêm trong 2 năm đầu đời có thể bảo vệ con họ lâu dài khỏi 4 bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt, và chỉ có 24,2% phụ huynh đã cho con đi tiêm nhắc mũi ngừa 4 bệnh trên khi trẻ 4-6 tuổi.

Hãy cùng lắng nghe PGS.TS Nguyễn Anh Dũng - chánh văn phòng Hội Y học dự phòng Việt Nam - giải đáp những hiểu lầm thường gặp về mũi tiêm nhắc quan trọng này.

* Thưa phó giáo sư, vì ít được đề cập trong những năm gần đây nên nhiều người cho rằng bạch hầu, ho gà, uốn ván và bại liệt không còn phổ biến và đáng quan ngại nữa. Điều này có đúng hay không?

- Chúng ta không nên chủ quan và mất cảnh giác trước bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào, đặc biệt là bạch hầu, ho gà, uốn ván và bại liệt. Bởi, mầm bệnh vẫn luôn tồn tại xung quanh và có thể tấn công bất cứ lúc nào khi trẻ không đủ kháng thể.

Tại Việt Nam, trong năm 2019 - 2020, dịch bạch hầu đã bùng phát ở Tây Nguyên. Thống kê trong các đợt dịch xảy ra gần đây cho thấy có sự thay đổi về độ tuổi mắc bệnh, với đa số ca mắc xảy ra ở trẻ lớn hơn 5 tuổi và người lớn.

Đây là căn bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp và do tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp của người mang vi khuẩn. Giả mạc màu trắng ngà ở hầu họng, thanh quản… khiến bệnh nhân bị tắc nghẽn đường hô hấp. Ngoài ra còn có thể có biến chứng khác như viêm cơ tim, biến chứng thận…, dẫn đến tử vong.

Ho gà cũng lây nhanh qua giọt bắn đường hô hấp: một người bệnh có thể lây lan cho 12 - 17 người. Bệnh điển hình với những cơn ho kịch phát và kéo dài, khiến trẻ kiệt sức, tím tái và có thể ngừng thở. Theo số liệu thống kê từ WHO, số ca mắc ho gà đang có dấu hiệu gia tăng trở lại và những ca nặng thường tập trung ở nhóm trẻ dưới 2 tháng tuổi.

Uốn ván cũng là bệnh nguy hiểm. Trực khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua vết thương hở và phát triển thành các ổ nhiễm trùng, gây ra cơn co cứng. Uốn ván có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm hơn như co thắt thanh quản, ngưng thở… Ở trẻ em, tỉ lệ tử vong do uốn ván còn cao. Dù không lây trực tiếp từ người sang người nhưng nha bào trực khuẩn uốn ván luôn xuất hiện ngoài môi trường tự nhiên và có thể gây bệnh khi có vết thương hở.

Bại liệt là bệnh do virus gây ra, lây lan chủ yếu qua đường phân, miệng. Bệnh có thể gây ra những biến chứng thần kinh như liệt chi, liệt cơ hô hấp và thậm chí tử vong.

Từ năm 2000, Việt Nam đã thanh toán được bại liệt, nhưng với số ca mắc vẫn được ghi nhận tại một số nước lân cận, và với tốc độ toàn cầu hóa hiện nay, nguy cơ xâm nhập và xuất hiện ca mắc mới và bùng phát dịch bại liệt tại Việt Nam vẫn có thể xảy ra.

* Hầu hết trẻ em Việt Nam đều đã được tiêm ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, và bại liệt bằng các vắc xin phối hợp trong hai năm đầu đời. Vậy, phải chăng chỉ cần tiêm đầy đủ những mũi vắc xin này thì trẻ sẽ được bảo vệ khỏi 4 bệnh này suốt đời?

- Kháng thể đối với 4 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván và bại liệt mà trẻ có được từ 3 mũi tiêm cơ bản trước 12 tháng và 1 mũi nhắc trước 2 tuổi sẽ giảm dần theo thời gian. Đặc biệt là giai đoạn từ 4-6 tuổi, kháng thể từ những mũi tiêm này giảm nhiều nhất, điều đó có nghĩa là trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh khi tiếp xúc nguồn lây.

Đáng chú ý, với nhóm trẻ ra đời từ năm 2016 - 2018, khi chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia chuyển từ vắc xin bại liệt đường uống tam giá sang nhị giá (chỉ ngừa được virus bại liệt chủng 1 và 3) và chưa có vắc xin bại liệt dạng tiêm, thì những trẻ này chưa được bảo vệ khỏi virus bại liệt chủng 2.

Vì vậy, đến nay khi nhóm trẻ sinh từ 2016 - 2018 vừa đủ 4-6 tuổi, đây chính là thời điểm quan trọng trẻ cần được tiêm nhắc lại 4 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván và bại liệt, điều này giúp tăng cường khả năng bảo vệ trẻ khỏi 3 chủng của virus bại liệt.

* Nhiều phụ huynh cho rằng việc tiêm nhắc có thể được thực hiện ở bất kỳ độ tuổi nào, vậy nên có thể trì hoãn. Bác sĩ có ý kiến gì về quan điểm trên?

- Việc tiêm nhắc phòng 4 bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt nên được triển khai khi trẻ bắt đầu đi nhà trẻ, mẫu giáo, bởi đây là môi trường đa dạng, dễ lây lan các bệnh truyền nhiễm. Mũi tiêm nhắc giúp tăng cường kháng thể bảo vệ trẻ, không chỉ trong độ tuổi 4-6 mà còn đến giai đoạn thiếu niên. Hơn thế nữa, tiêm nhắc còn hạn chế nguy cơ lây bệnh cho những trẻ nhỏ hơn, sống cùng nhà và chưa được chủng ngừa đầy đủ.

* Vậy trẻ quá 6 tuổi thì có thể tiêm vắc xin phòng 4 bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt hay không?

- Trẻ cần được tiêm nhắc càng sớm càng tốt để phòng 4 bệnh trên. Hơn nữa, trẻ cần được tiêm nhắc phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà 1 lần nữa ở giai đoạn thanh thiếu niên và nhắc lại mỗi 10 năm sau đó.

Mũi nhắc phòng 4 bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà và bại liệt là vô cùng quan trọng với trẻ 4-6 tuổi, phụ huynh nên chủ động đưa con đi tiêm ngay khi có thể để tăng cường kháng thể bảo vệ trẻ trước khi bước vào độ tuổi đi học.

Theo T.T/Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/nhung-hieu-lam-thuong-gap-ve-tiem-nhac-cho-tre-4-6-tuoi-20211023151638603.htm

  • Từ khóa

WHO: Khoảng trống miễn dịch do Covid-19 đe dọa trẻ em Việt Nam

Giống như nhiều quốc gia khác, dịch vụ tiêm chủng thường xuyên ở Việt Nam đã bị gián đoạn do đại dịch Covid-19. Trẻ em không được tiêm chủng có nguy cơ...
11:00 - 26/04/2024
78 lượt xem

WHO kêu gọi thành lập mạng lưới toàn cầu phát hiện vi rút cúm gia cầm

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 24-4 kêu gọi tăng cường các mạng lưới phát hiện toàn cầu đối với vi rút cúm gia cầm H5N1, hiện đã lây nhiễm ở một số...
08:17 - 26/04/2024
113 lượt xem

Thêm trẻ ngộ độc chì, nguy kịch do 'thuốc nam'

Bệnh viện Nhi trung ương thông tin đang điều trị tích cực cho một bé 3 tuổi nguy kịch do ngộ độc chì. Đây là trường hợp thứ hai trong vòng 2 tháng...
16:31 - 25/04/2024
512 lượt xem

Uống rượu, hút thuốc xong chớ dại ăn bưởi kẻo hại sức khỏe

Nhiều người thường ăn bưởi sau bữa ăn, kể cả có uống rượu bia vì nghĩ loại quả này nhiều nước và vitamin C nên có thể giải rượu. Tuy nhiên, chuyên gia sức...
17:34 - 25/04/2024
516 lượt xem

Loại củ thường có trong bếp tác dụng không ngờ đối với sức khỏe nam giới

Từ tăng cường khả năng miễn dịch, giảm cholesterol xấu, bảo vệ gan, đến làm chậm sự phát triển của bệnh Alzheimer, ngăn ngừa ung thư, có thể nói tỏi là...
13:12 - 25/04/2024
570 lượt xem