Nhịp tim chậm thường xảy ra ở người lớn tuổi và có thể là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe có vấn đề.
Các bác sĩ của Cleveland Clinic - trung tâm y tế học thuật phi lợi nhuận có trụ sở tại Cleveland, Ohio, Mỹ - đưa ra khuyến cáo một số trường hợp cần lưu ý khi nhịp tim chậm và các triệu chứng cần theo dõi.
Nhịp tim như thế nào là chậm?
Nhịp tim chậm là từ 60 nhịp mỗi phút (bpm) trở xuống khi đầu óc tỉnh táo và cơ thể hoạt động bình thường. Chỉ số nhịp tim bình thường là từ 60 - 100 bpm.
Đối với hầu hết người trẻ tuổi, vận động viên và những người tập thể dục thường xuyên, nhịp tim thấp khi tập thể dục (dưới 60 bpm) không phải là điều bất thường. Tình trạng tương tự cũng xảy ra khi ngủ, lúc đó nhịp tim thường chậm lại từ 40 - 60 bpm.
Nguyên nhân gây nhịp tim chậm
Tim có vấn đề: Nguyên nhân phổ biến nhất của nhịp tim chậm là do trục trặc của nút xoang, được xem như máy tạo nhịp tim tự nhiên của tim. Bộ phận này kiểm soát tốc độ của buồng tim trên và dưới bơm máu đi khắp cơ thể.
Khối AV: Một nguyên nhân khác gây ra nhịp tim chậm là block nhĩ thất (AV Block), khi các khoang trên và dưới không giao tiếp tốt dẫn đến nhịp tim giảm xuống. Tình trạng này thường xảy ra khi cơ thể lão hóa.
Tuổi tác: Đây là yếu tố nguy cơ thường thấy nhất gây nhịp tim chậm. Tình trạng này phổ biến nhất ở nam giới và phụ nữ trên 65 tuổi.
Tình trạng bệnh lý: Những bệnh có thể gây ra nhịp tim chậm gồm đau tim do bệnh mạch vành, viêm cơ tim, chức năng tuyến giáp suy giảm, mất cân bằng điện giải hoặc có quá nhiều kali trong máu. Bên cạnh đó, các dị tật tim bẩm sinh, bệnh tiểu đường hoặc huyết áp cao lâu ngày đều có thể làm cho nhịp tim chậm dễ xảy ra hơn.
Triệu chứng
Một số trường hợp có nhịp tim chậm nhưng không có triệu chứng. Tuy nhiên, nếu lờ đi các triệu chứng, đôi khi có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng. Những triệu chứng của nhịp tim chậm dễ nhận biết là thiếu năng lượng, chóng mặt, đau ngực, lú lẫn, tim đập nhanh.
Nhịp tim chậm có cần điều trị không ?
Nếu nhịp tim chậm nhưng không có các triệu chứng, bạn không cần phải lo lắng. Tuy nhiên, một số trường hợp cần phải điều trị. Nếu nhịp tim giảm xuống ở độ tuổi 30, bạn có thể không nhận đủ ô xy lên não, dẫn đến ngất xỉu, choáng váng và khó thở. Máu cũng có thể đọng lại trong buồng tim, gây ra suy tim sung huyết.
Nếu lo lắng về nhịp tim chậm, hãy đi khám để được các bác sĩ xác định nguyên nhân và từ đó lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Nhịp tim được đo bằng cách đếm số lần tim đập trong một phút. Ví dụ, nếu tim đập 72 lần trong 1 phút, thì nhịp tim là 72 bpm (beats per minute: nhịp mỗi phút).
Cách tự đo nhịp tim: Để lòng bàn tay hướng lên trên. Ấn nhẹ 2 hoặc 3 ngón tay giữa từ bàn tay kia lên cổ tay để cảm nhận mạch. Nếu không cảm thấy gì, hãy ấn mạnh hơn một chút. Đếm từng nhịp trong 30 giây. Nhân đôi số nhịp đếm được sẽ ra nhịp tim mỗi phút.
Theo Ngọc Minh Khuê/Thanh niên
https://thanhnien.vn/nhip-tim-cham-la-tot-hay-xau-post1386942.html