Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng đến nhiều loại bệnh ung thư.
Mối liên quan giữa chế độ ăn và ung thư
Ung thư vú : Tăng cường ăn rau có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú âm tính với thụ thể estrogen, trong khi tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú nói chung.
Ung thư phổi: Hút thuốc lá nhiều làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Ngược lại, những người tiêu thụ nhiều trái cây và rau quả có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn;
Ung thư đại trực tràng: Ăn quá nhiều các loại thịt chế biến sẵn như xúc xích, thịt xông khói sẽ làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Trong khi đó, các chất giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất chống oxy hóa trong thực phẩm, có lợi cho việc phòng chống ung thư đại trực tràng;
Ung thư gan: Uống rượu bia là yếu tố chính gây ung thư gan. Cùng với đó, thường xuyên ăn thực phẩm bị mốc sẽ làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh này.
Ung thư dạ dày : Ăn nhiều muối hoặc hun khói trong thời gian dài làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày; ăn nhiều trái cây và rau quả và bổ sung vitamin A, E và selen có thể làm giảm nguy cơ ung thư dạ dày;
Ung thư thực quản : Hút thuốc và uống rượu sẽ làm tăng nguy cơ ung thư thực quản , và ăn nhiều trái cây và rau quả có thể giúp ngăn ngừa bệnh này.
Tránh xa những tác nhân gây ung thư thường gặp
Chất gây ung thư là những chất làm tăng xác suất đột biến gen tế bào, và sau đó làm tăng nguy cơ ung thư:
Thực phẩm bị mốc do Aflatoxin
Aflatoxin có độc tính cao và được coi là chất gây ung thư mạnh, chủ yếu gây ung thư gan và cũng có thể gây ung thư thực quản, ung thư vú, ung thư trực tràng và nhiều bệnh ung thư khác.
Gạo, đậu, lạc, các loại hạt và các loại thực phẩm khác có hàm lượng tinh bột cao sẽ sinh ra độc tố aflatoxin khi bị mốc. Ngoài ra, thớt, đũa, khăn lau,… cũng có thể sinh ra độc tố aflatoxin nếu thức ăn còn sót lại và bị ẩm.
Do đó, chúng ta nên bảo quản lạc, ngô, đậu và các loại thực phẩm khác ở nơi có nhiệt độ thấp và khô ráo; bộ đồ ăn phải đảm bảo vệ sinh, giữ khô ráo, thay mới thường xuyên.
Thực phẩm được bảo quản bằng nitrit
Bản thân nitrit không gây ung thư, nhưng sau khi phản ứng với protein, nó có thể chuyển hóa thành nitrosamine gây ung thư trong cơ thể. Nitrosamine có độc tính mạnh với gan và gây ra nhiều loại ung thư như ung thư gan, ung thư miệng, ung thư thực quản, ung thư phổi và ung thư tuyến tụy.
Nitrit thường được sử dụng như một chất bảo quản và phổ biến trong các sản phẩm thịt chế biến sẵn. Bên cạnh đó, các loại dưa muối được ghi nhận có hàm lượng nitrit cao hơn trong 20 ngày đầu muối chua. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo hạn chế ăn các loại dưa muối xổi.
Benzopyrene trong thịt nướng
Benzopyrene thuộc nhóm hydrocacbon thơm đa vòng, một chất gây ung thư mạnh đã được công nhận. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một liều lượng nhất định của benzopyrene trong thực phẩm có thể gây ung thư gan và các khối u đường tiêu hóa.
Benzopyrene thường được tìm thấy trong thực phẩm nướng, thực phẩm sẽ bị carbon hóa trong quá trình hun khói và nướng, đồng thời benzopyrene sẽ tăng lên đáng kể.
Vì vậy, nên ăn ít đồ nướng và đồ hun khói, khi tự làm đồ nướng không nên để đồ ăn quá gần lửa than và không ăn phần bị cháy. Khi chiên thực phẩm, hãy cố gắng rút ngắn thời gian càng nhiều càng tốt.
Thuốc lá và rượu
Thuốc lá và rượu có liên quan mật thiết đến bệnh ung thư. Thuốc lá có chứa nhiều chất gây ung thư, không chỉ đi qua miệng hoặc đường hô hấp mà còn lưu thông khắp cơ thể theo máu, làm tổn thương các tế bào bình thường và gây ra các bệnh ung thư như ung thư phổi, ung thư vú và ung thư vòm họng.
Sau khi rượu vào cơ thể con người, nó được chuyển hóa thành acetaldehyde bởi gan, và acetaldehyde làm tăng nguy cơ tổn thương ADN, từ đó làm tăng nguy cơ ung thư. Lạm dụng rượu bia liên quan chặt chẽ đến bệnh ung thư gan, ung thư miệng, ung thư vòm họng và ung thư thực quản.
Theo Minh Nhật/Dân trí (Tổng hợp)
https://dantri.com.vn/suc-khoe/che-do-an-lien-quan-the-nao-voi-cac-benh-ung-thu-20210914104845189.