Mùa dịch COVID-19 kéo dài, các chuyên gia y tế lo lắng xu hướng gia tăng tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, nhất là các trẻ mắc COVID-19 (F0), trẻ có người thân là F0, hay những trẻ sống trong gia đình khó khăn, mất việc.
Tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng có xu hướng gia tăng trong mùa dịch COVID-19 - Ảnh minh họa: T.T.D.
Chế độ dinh dưỡng trong mùa dịch cần được xây dựng cho phù hợp với tình hình thực tế, từ những nhóm thực phẩm cơ bản nhất.
Cố gắng cho trẻ ăn, không cần thực phẩm cao cấp
Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa - nguyên trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM - cho biết để trẻ em không bị thiếu chất và suy dinh dưỡng trong mùa dịch, quan trọng nhất vẫn phải cho trẻ ăn đủ 3 bữa chính.
"Chọn lựa và chế biến món ăn đơn giản nhất, đừng quan trọng vào bất kỳ một thực phẩm cao cấp nào để đua nhau đi tìm, gây hoang mang. Những thực phẩm bình dân cũng vẫn cung cấp đủ dưỡng chất cho trẻ nếu phụ huynh biết cân đối bữa ăn phù hợp", bác sĩ Hoa nói.
Trong thời gian giãn cách xã hội, mỗi gia đình nếu không có điều kiện kinh tế thì có thể dự trữ bốn nhóm thực phẩm cơ bản, bao gồm tinh bột (cơm, ngũ cốc, bánh mì, mì...); chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu...); vitamin, khoáng chất (rau, củ, quả dễ chế biến, trái cây...) và chất béo. Ở các bữa phụ, có thể cho trẻ ăn xen kẽ sữa chua hoặc trái cây đơn giản, dễ mua như chuối chín.
Đối với trẻ em là F0, nhu cầu dinh dưỡng vẫn như trên, tuy nhiên có thể bổ sung một số thực phẩm tăng cường đề kháng. Lúc này trẻ sẽ khó ăn hơn, gia đình có thể nấu thức ăn thành dạng lỏng như xúp, cháo, bột có đạm động vật (gà, heo, bò) cùng các loại rau củ. Thức ăn lỏng dễ tiêu hóa, cải thiện hệ miễn dịch, đẩy nhanh hiệu quả chống cảm cúm, tạo cảm giác ngon miệng cho trẻ.
Hạn chế cho trẻ ăn quá nhiều đồ ngọt hoặc ăn quá mặn, khuyến nghị lượng đường <5% tổng năng lượng ăn vào. Cần cung cấp đủ nước, tránh uống nước ngọt công nghiệp. Mất nước dẫn đến khô cổ họng, phổi và vòm họng thiếu đi chất nhờn bảo vệ dễ dẫn đến sự xâm nhập của vi khuẩn và virus. Cần thiết, có thể cho trẻ uống sữa tươi và các sản phẩm từ sữa cũng cung cấp nguồn năng lượng, protein dồi dào.
Tránh còi xương
Theo bác sĩ Hoa, vấn đề quan trọng vẫn là tư tưởng ở trẻ và gia đình, nhiều trẻ biếng ăn, kén ăn nếu không phải thực phẩm trẻ thích. Gia đình phải tìm cách cho trẻ tự thân vận động, không nên cầu kỳ, phức tạp hóa bữa ăn. Bên cạnh chăm lo việc ăn uống, mỗi gia đình cũng nên dạy trẻ những cách chế biến thức ăn đơn giản như nấu cơm, luộc trứng, nấu mì... để trẻ có thể tự thực hiện trong các trường hợp không có sự chăm sóc của người lớn.
Định kỳ theo dõi tình trạng dinh dưỡng của trẻ bằng cân nặng và lượng thức ăn trẻ ăn vào. Đánh giá biểu hiện đường tiêu hóa hằng ngày như chán ăn, tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng bởi chúng sẽ làm suy giảm lượng thức ăn và giảm hấp thụ, gây suy dinh dưỡng.
Phải ở nhà trong thời gian dài giãn cách xã hội, nhiều trẻ em đã không thể tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nhất là trẻ em trong các khu nhà trọ, con hẻm kín. Thiếu vitamin D từ ánh sáng mặt trời, trẻ có nguy cơ còi xương, phải làm sao?
Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa cho biết nếu cơ thể thiếu vitamin D, đề kháng sinh ra sẽ rất kém, nguy cơ nhiễm COVID-19 có thể tăng.
"Tất cả mọi lứa tuổi đều cần vitamin D chứ không riêng trẻ em. Tuy nhiên, khi trẻ em không tiếp xúc nguồn vitamin từ ánh nắng mặt trời sẽ làm giảm sự hấp thụ canxi, gây suy yếu cấu trúc xương dẫn đến còi xương, loãng xương..., thậm chí dẫn đến trầm cảm ở trẻ nhỏ", bà Hoa chia sẻ.
Để tránh xảy ra những tình trạng trên, bác sĩ Hoa khuyến cáo mỗi gia đình nếu khuôn viên của nhà có khu vực bắt nắng thì hãy cho trẻ phơi nắng, với thời gian trước 9h sáng và sau 15h chiều. Ngoài ra có thể bổ sung vitamin D qua các nguồn thực phẩm hằng ngày như cá, trứng, sữa, cá mòi, cá ngừ..., cần thiết có thể dùng các viên uống bổ sung vitamin D được mua từ các nhà thuốc uy tín.
Theo Cẩm Nương/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/tranh-de-tre-suy-dinh-duong-trong-mua-dich-20210831090019242.htm