Bạn đọc Trần Thùy (quận Bình Thạnh, TP HCM) hỏi: "Tôi nghe nói có người bị Covid-19 nhẹ nhưng khó thở chỉ vì lo âu, nhưng rất khó phân biệt được thật - giả. Vậy làm sao để biết gọi y tế nhờ hỗ trợ cho đúng vì thật sự ai bị Covid-19 cũng lo?"
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM) trả lời:
Nên bình tĩnh ngồi và tập hít thở sâu: hít vào bằng mũi sâu tới mức phình bụng, thở ra bằng miệng đến khi bụng xẹp. Điều này vừa giúp cải thiện hô hấp ở người bệnh Covid-19 đang thực sự diễn tiến nặng, vừa giúp giảm lo âu.
Những trường hợp "báo động giả" thường một lát sau là thấy khỏe lại bình thường, hoặc tự nhiên có chuyện gì đó làm mình quên đi thì bỗng dưng... hết khó thở. Lưu ý rằng có nhiều trường hợp khó thở "giả" do lo âu vẫn có thể ảnh hưởng đến chỉ số SPO2.
Người bệnh Covid-19 trở nặng, suy hô hấp thực sự sẽ không dễ dàng trở lại bình thường chỉ sau một thời gian ngắn tập thở, mà chỉ đỡ hơn. Các trường hợp khó thở thật, tập thở thấy không cải thiện nhiều thì chuyển sang nằm sấp để thở và báo với y tế.
Theo Anh Thư/ NLĐ
https://nld.com.vn/suc-khoe/lam-sao-phan-biet-kho-tho-do-covid-19-tro-nang-hay-do-lo-au-20210813101846089.htm