Năm qua, Viện Dinh dưỡng quốc gia thống kê có hơn 50% trẻ em nội thành TP.HCM mắc chứng béo phì. Hiện đang mùa dịch, trẻ ở nhà, ít vận động, phụ huynh cân nhắc việc tẩm bổ cho con với quan niệm "ăn nhiều khỏe nhiều".
Hạn chế cho trẻ ăn thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, thực phẩm đóng gói sẵn - Ảnh: D.PHAN
Mọi năm, thời gian này trùng với kỳ nghỉ hè nên trẻ được vui chơi, tăng cường vận động cơ thể. Tuy nhiên, năm nay do dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên trẻ chỉ có thể ở nhà và tập trung vào các hoạt động tĩnh như xem tivi, chơi game… Không vận động, cùng với một chế độ ăn uống không kiểm soát, tỉ lệ trẻ béo phì trong mùa dịch rất báo động.
Ăn nhiều đồ bổ, tưởng lợi thành hại
Chị Tuyết Phượng (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết do bé nhà chị 9 tuổi kén ăn nên từ khi ở nhà mùa dịch, chị mua rất nhiều đồ ăn trữ sẵn cho bé. "Sợ con ốm yếu không có sức đề kháng để chống lại dịch nên con thích ăn gì là tôi cứ mua về. Do tôi ở nhà, có thời gian chăm chút bữa ăn nên con ăn cũng thấy ngon miệng, ăn nhiều và tròn trịa hẳn ra", chị chia sẻ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ThS.BS Phạm Công Danh - khoa dinh dưỡng, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - cho biết việc hoạt động tĩnh tại nhà trong một thời gian dài khiến cho năng lượng cơ thể tiêu hao bị giảm đi, trong khi năng lượng ăn vào không thay đổi, từ đó gây ra sự dư thừa về năng lượng khiến trẻ tăng cân.
"Trẻ béo phì dễ mắc các bệnh mãn tính ở giai đoạn trưởng thành như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, nguy hiểm hơn là ung thư.
Khi trẻ béo phì, cân nặng sẽ vượt quá khả năng chịu đựng của khung xương nên có thể dẫn đến các vấn đề về xương khớp ở tuổi trưởng thành như viêm khớp, thoái hóa khớp…", bác sĩ Danh chia sẻ.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy người trẻ béo phì ít nhiều có những ảnh hưởng đáng kể đến nội tiết tố trong cơ thể, trong đó có tình trạng khó mang thai.
Béo phì gây hệ lụy lâu dài
Đi đôi cùng vấn về sức khỏe, trẻ béo phì thường mắc các vấn đề về tâm lý đặc biệt trong quá trình trưởng thành.
"Trẻ dễ bị bạn bè trêu chọc, dễ dẫn đến tâm lý mặc cảm, tự ti, kém hòa nhập xã hội. Mặt khác, trẻ có thể dẫn đến một số rối loạn liên quan đến việc ăn uống do tâm lý như háu ăn, ăn dễ ói…", BS Danh cho biết.
Một số trẻ béo phì có xu hướng dậy thì sớm ở giai đoạn tiểu học; các cơ quan sinh dục phát triển sớm hơn bình thường trong khi tâm sinh lý của trẻ phát triển chưa đủ dẫn đến tình trạng trẻ có nguy cơ bị lạm dụng tình dục, gây ra những tổn thương về thể chất và tinh thần không thể hồi phục được.
Tuy béo phì để lại những hậu quả khó lường nhưng phụ huynh chỉ nên áp dụng điều trị béo phì ở những trẻ đã có biến chứng.
"Phụ huynh cần theo dõi biểu đồ tăng trưởng của trẻ liên tục, nếu ba mẹ cảm thấy lo lắng thì nên đưa trẻ đến bệnh viện nhi để khám và tư vấn. Béo phì cần được phòng ngừa ngay từ đầu hơn là khắc phục hậu quả", bác sĩ Danh đặc biệt nhấn mạnh.
PGS.TS Bùi Thị Nhung - trưởng khoa dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia - cho rằng trẻ em khu vực thành phố có xu hướng được quan tâm chăm sóc về dinh dưỡng nhiều hơn, được ông bà và cha mẹ ép ăn uống từ nhỏ, dẫn đến cân nặng tăng dần, đến khi trẻ bị béo phì thì việc kiểm soát cân nặng sẽ càng khó khăn.
Xây dựng cho trẻ thói quen sinh hoạt lành mạnh Cần ưu tiên cắt giảm các loại thức ăn nhanh, chế biến sẵn, có nhiều đường… khi thấy trẻ có dấu hiệu thừa cân. Khuyến khích trẻ tăng cường vận động thể lực, nhất là các hoạt động có thể thực hiện tại nhà như nhảy dây, bật nhảy tại chỗ… Vận động thể lực giúp trẻ vừa giảm cân vừa phát triển thể chất, đặc biệt là chiều cao. |
Theo Cẩm Nương/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/dung-de-beo-phi-trong-mua-dich-20210805082748242.htm