Tại Việt Nam, phần lớn các trường hợp ung thư vòm mũi họng được chẩn đoán ở giai đoạn muộn sau khi có triệu chứng đầu tiên từ 6 tháng đến 1 năm.
Ung thư vòm họng là một trong 10 loại ung thư thường gặp nhất tại Việt Nam, bệnh thường gặp ở nam giới lứa tuổi 40 - 60. Nếu được phát hiện sớm bệnh có thể được điều trị khỏi bằng xạ trị đơn thuần hoặc kết hợp với hóa trị.
Các dấu hiệu sớm của ung thư vòm họng
Theo bác sĩ Bùi Quang Biểu, khoa Xạ trị - Xạ phẫu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), các dấu hiệu của ung thư vòm họng có thể khó xác định trong giai đoạn đầu của bệnh do nhiều triệu chứng liên quan với các bệnh lý tai mũi họng thông thường nên người bệnh và thầy thuốc dễ chủ quan và bỏ qua.
Các dấu hiệu của ung thư vòm giai đoạn sớm gồm:
- Đau đầu: Thường đau nửa đầu âm ỉ, có lúc đau thành cơn, dễ nhầm với các bệnh lý thần kinh và mạch máu não.
- Ù tai: Khi ung thư vòm họng xâm lấn gây tắc vòi nhĩ, người bệnh thường xuyên bị ù tai một bên, có cảm giác như tiếng ve kêu bên trong tai.
- Ngạt mũi: Dấu hiệu này xuất hiện tăng dần, ban đầu người bệnh sẽ bị ngạt một bên mũi, ngạt từng lúc một và kèm theo triệu chứng xì mũi ra máu, chảy máu cam.
- Nổi hạch cổ: Hay gặp nhất là hạch góc hàm, đặc điểm nổi bật là hạch nhỏ, chắc, không đau thường tình cờ phát hiện.
Các triệu chứng được liệt kê ở trên tuy rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác. Tuy nhiên, chú ý kỹ một chút người bệnh có thể phân biệt được một đặc điểm chung của bệnh ung thư vòm họng là các dấu hiệu thường xuất hiện ở một bên và nặng dần theo thời gian, sử dụng điều trị thuốc vẫn không khỏi.
Khi có các dấu hiệu trên ở người có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh ung thư vòm họng, cần đến khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để nội soi vòm họng kiểm tra phát hiện sớm đồng thời khám bác sĩ chuyên khoa ung thư để được tư vấn về chẩn đoán và điều trị.
Các phương pháp tầm soát ung thư vòm họng
Tại bệnh viện, một số xét nghiệm khác nhau có thể được thực hiện để kiểm tra ung thư vòm họng và loại trừ các bệnh lý khác.
Một số xét nghiệm bạn có thể thực hiện bao gồm:
- Nội soi mũi: Một ống nội soi được đưa lên mũi của bạn và đi qua cổ họng của bạn để tìm kiếm bất kỳ bất thường nào. Nó được thực hiện khi bạn còn tỉnh, nhưng thuốc gây tê cục bộ có thể được sử dụng để làm tê mũi và cổ họng của bạn.
- Có chụp MRI hoặc chụp CT để tìm các khối u và kiểm tra xem ung thư đã lan rộng chưa.
- Nội soi: Bác sĩ có thể tiến hành nội soi kỹ hơn ở vùng mũi và họng, được thực hiện dưới gây mê toàn thân (khi bạn bất tỉnh).
- Sinh thiết: Trong quá trình nội soi, bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ để kiểm tra trong phòng thí nghiệm.
Sau khi hoàn tất các xét nghiệm này, các bác sĩ sẽ có thể xác nhận xem bạn có bị ung thư vòm họng hay không.
Làm gì để phòng ung thư vòm họng?
Để dự phòng ung thư vòm họng cần duy trì một lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống khoa học. Điều đầu tiên, bạn cần lưu ý là không hút thuốc lá. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng việc không hút thuốc là có thể làm giảm được đáng kể nguy cơ gây nên ung thư vòm họng. Nếu như bạn có hút thuốc lá, lời khuyên tốt nhất là bỏ thuốc trong thời gian sớm nhất để đảm bảo sức khỏe.
Bên cạnh đó, bạn cần hạn chế sử dụng bia, rượu và các loại đồ uống có chứa cồn trong sinh hoạt hàng ngày; không nên ăn nhiều các thực phẩm được chế biến theo phương thức lên men như: thịt muối, dưa muối, cà muối… Đặc biệt, không ăn thức ăn khi còn nóng tránh gây tổn thương đến vùng hầu họng.
Đồng thời cần chú ý luyện tập thể dục đều đặn để tăng cường sức khỏe.
Theo Hà An/Dân trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/ung-thu-vom-hong-dau-hieu-nhan-biet-va-cach-tam-soat-20210719162337274.htm