Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe: Những cách tự nhiên giúp thanh lọc phổi; 7 điều bác sĩ muốn bạn biết về ung thư bàng quang...
Bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe, bạn đọc còn bắt gặp câu chuyện một bệnh nhân ban đầu được bác sĩ chẩn đoán mắc chứng đau đầu vì quá căng thẳng, rồi lại chẩn đoán là đau răng phải nhổ răng. Đến khi bệnh nhân này đi khám tai, được chụp MRI mới phát hiện ra khối u não.
7 cách tự nhiên giúp thanh lọc phổi
Phổi là cơ quan có khả năng tự phục hồi sau khi ngừng tiếp xúc với các chất ô nhiễm. Khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm, dịch nhầy trong phổi được tiết ra để giữ cho vi khuẩn và mầm bệnh không xâm nhập được vào đường hô hấp. Dịch nhầy dư thừa có thể gây nghẹt ứ ngực và các triệu chứng khó chịu khác.
Hít thở sâu đúng cách đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe
Dưới đây là một số phương pháp giúp khai thông đường thở, cải thiện dung tích phổi và giảm viêm.
Liệu pháp xông hơi. Việc xông hơi giúp khai thông đường hô hấp và giảm dịch nhầy trong phổi. Những người bị bệnh phổi thường phát bệnh nặng hơn khi trời lạnh hoặc khô vì khí hậu này làm khô dịch nhầy trong đường hô hấp và hạn chế lưu lượng máu. Ngược lại, hơi nước nóng trong phòng xông hơi làm tăng độ ấm và độ ẩm cho không khí, giúp cải thiện hô hấp và làm lỏng chất nhầy. Hít hơi nước có thể giúp giảm đau tức thì và giúp người bệnh thở dễ dàng hơn.
Ho có kiểm soát. Ho là cách cơ thể đào thải tự nhiên các chất độc tích tụ trong dịch nhầy. Ho có chủ ý giúp đưa chất nhầy dư thừa trong phổi ra ngoài qua đường hô hấp. Các bác sĩ khuyến cáo những người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) nên tập ho để giúp làm sạch phổi. Các bước như sau: Ngồi xuống, thả lỏng vai, khoanh tay trước bụng, từ từ hít vào, từ từ thở ra đồng thời nghiêng người về phía trước, ép cánh tay vào bụng, ho 2 hoặc 3 lần trong khi thở ra, miệng hơi mở, từ từ hít vào, nghỉ và lặp lại. Tập thể dục, gõ ngực thủ công... là những cách tiếp theo giúp thanh lọc phổi sẽ có trên trang sức khỏe ngày 26.6.
7 điều bác sĩ muốn bạn biết về ung thư bàng quang
Ung thư bàng quang ít được nhiều người biết đến như những loại ung thư phổ biến khác, nhưng nó không kém phần nghiêm trọng. Sau đây, bác sĩ chuyên về ung thư bàng quang chia sẻ những điều họ muốn mọi người biết về căn bệnh này.
Các dấu hiệu của ung thư bàng quang bao gồm bất kỳ thay đổi nào trong thói quen tiểu tiện, như tiểu ra máu, đi tiểu nhiều lần hơn bình thường hoặc tiểu gấp
Hút thuốc vẫn là yếu tố nguy cơ số một đối với ung thư bàng quang. Hút thuốc dẫn đến ung thư phổi, ung thư miệng và cổ họng thì nhiều người biết. Nhưng ít ai biết rằng đó cũng là yếu tố nguy cơ hàng đầu đối với ung thư bàng quang.
Chắc bạn sẽ rất ngạc nhiên khi biết những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao gấp 2 đến 3 lần so với những người không hút thuốc, theo Ladders. Hút thuốc có liên quan đến khoảng một nửa số ca ung thư bàng quang.
Đừng bỏ qua các triệu chứng ban đầu của ung thư bàng quang. Các dấu hiệu của ung thư bàng quang bao gồm bất kỳ thay đổi nào trong thói quen tiểu tiện, như tiểu ra máu, đi tiểu nhiều lần hơn bình thường hoặc tiểu gấp. Một số người còn bị đau vùng chậu, theo Ladders.
Bác sĩ Shteynshlyuger, giám đốc khoa tiết niệu tại New York Urology Specialists (Mỹ), cho biết: “Ung thư bàng quang là một trong những bệnh ung thư thường bị chẩn đoán sai hoặc chẩn đoán muộn. Lý do là các triệu chứng của nó rất giống với các bệnh khác như nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi thận, sỏi bàng quang và bàng quang hoạt động quá mức”.
Tiến sĩ Shteynshlyuger cho biết: “Hễ thấy có máu trong nước tiểu nên đi khám ngay”. 5 điều bác sĩ muốn bạn biết về ung thư bàng quang còn lại sẽ có trên trang sức khỏe ngày 26.6.
Dấu hiệu lạ của khối u não qua lời kể của nữ sinh viên xui xẻo
Cô Daniela Gomez (21 tuổi) đến từ bang Indiana (Mỹ), bị đau đầu âm ỉ hằng ngày, dai dẳng suốt mấy năm học trung học, kéo dài cho đến năm nhất đại học, thì cơn đau trở nên dữ dội hơn.
Không ngờ đau hàm cũng là dấu hiệu của u não
Đến lúc này, cô mới báo cho mẹ biết và đi khám bệnh. Nhưng bác sĩ chỉ cho rằng do việc học căng thẳng và điều trị chứng căng thẳng. Nhưng cơn đau đầu vẫn không khỏi.
Cơn đau đầu vẫn kéo dài, cho đến một năm sau, cô lại cảm thấy đau hàm và lại đi khám. Bác sĩ cho rằng một chiếc răng chạm vào dây thần kinh gây đau. Nhưng phim chụp X-quang răng hàm cho kết quả không phải như vậy. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để tiếp tục câu chuyện này!
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/suc-khoe/bat-dau-ngay-moi-voi-tin-tuc-suc-khoe-nhung-cach-tu-nhien-giup-thanh-loc-phoi-1404323.html