Trong giai đoạn sớm, các triệu chứng của ung thư phổi thường không đặc hiệu nên dễ bị bỏ qua hoặc có thể nhầm lẫn với các bệnh lý khác như viêm phế quản phổi, lao phổi.
Thực tế, nhiều bệnh nhân đến viện khi bệnh ở giai đoạn muộn hoặc sau khi điều trị nhiều đợt không đỡ.
Theo bác sĩ Đỗ Tất Cường, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, các triệu chứng của bệnh xuất hiện tùy thuộc vào vị trí và kích thước của khối u, mức độ xâm lấn đến các cơ quan lân cận cũng như di căn xa. Các dấu hiệu của ung thư phổi khá đa dạng, người bệnh cần lưu ý khi gặp các triệu chứng sau:
- Ho: là triệu chứng thường gặp. Khoảng 80% bệnh nhân ung thư phổi có biểu hiện ho, có thể là ho khan, ho có đờm, ho ra máu. Nhưng ho là một triệu chứng rất không đặc hiệu, và ung thư không phải là nguyên nhân mà người bệnh nghĩ đến đầu tiên. Tuy nhiên, nếu bạn ho kéo dài, không rõ nguyên nhân và không đáp ứng với điều trị thì bạn nên đến chuyên khoa ung bướu để thăm khám.
- Khó thở: cũng là một triệu chứng hay gặp trong ung thư phổi. Cảm giác khó thở thường xuất hiện khi giai đoạn bệnh không còn sớm và hay gặp với khối u ở trung tâm gây hẹp lòng khí quản lớn hoặc do khối hạch trung thất chèn ép vào đường thở. Đôi khi, người bệnh còn có thể xuất hiện tiếng thở khò khè nặng nhọc.
- Đau ngực: hay gặp khi khối u đã xâm lấn đến thành ngực. Điểm đau thường tương ứng với vị trí khối u, người bệnh có thể bị đau tức ở vùng ngực, lưng hoặc vai. Các cơn đau có tính chất dai dẳng, âm ỉ, tăng lên khi ho hoặc hít thở sâu.
- Khàn tiếng: thường do khối u phổi trái hoặc hạch trung thất chèn ép vào dây thần kinh. Khi nội soi sẽ thấy tình trạng liệt dây thanh âm trái.
- Các triệu chứng: đau vùng vai, cánh tay, ngón tay kèm tê bì dị cảm xuất hiện khi khối u đỉnh phổi chèn ép đám rối thần kinh cánh tay. Các khối u vùng này còn có thể gây ra một số triệu chứng khác như sụp mi mắt, nóng bừng và đỏ nửa mặt cùng bên.
- Hạch cổ: khi người bệnh tự sờ thấy khối hạch vùng cổ, đặc biệt là các hạch rắn chắc, to nhanh không đi kèm với các dấu hiệu viêm nhiễm vùng họng, miệng thì nên đến viện để nhận được thăm khám và tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa ung thư.
- Sụt cân: Trong các trường hợp sự sụt cân diễn ra nhanh chóng mà không rõ nguyên nhân, không liên quan đến sự cắt giảm calo khẩu phần ăn, thì rất có thể do nguyên nhân bệnh ung thư gây ra.
Nguyên nhân gây ung thư phổi
Theo BS Nguyễn Nhật Linh - Khoa Nội 1, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, các nhà khoa học đã phát hiện ra chỉ có dưới 10% bệnh ung thư phát sinh do các rối loạn từ bên trong cơ thể thường không thay đổi được. Ngược lại, có đến hơn 80% bệnh ung thư phát sinh có liên quan đến yếu tố có thể thay đổi được.
Cụ thể bao gồm:
- Thuốc lá: hút thuốc lá, kể cả thụ động là một trong những nguy cơ hàng đầu gây bệnh ung thư phổi. Nhiều nghiên cứu khảo sát bệnh nhân mắc ung thư phổi đã chỉ ra, 90% người mắc có liên quan đến hút thuốc lá, 24% người mắc bắt nguồn từ hút thuốc thụ động.
- Chế độ ăn uống không lành mạnh.
- Ô nhiễm môi trường, chất thải từ động cơ, khói bụi, các chất phóng xạ…
- Các bệnh lý mãn tính có sẵn ở phổi: lao phổi, các nốt vôi hóa, tổn thương sẹo cũ ở phổi, các viêm phổi mạn có dị sản.
Phòng bệnh
Ung thư phổi cũng được xếp vào nhóm khó phát hiện sớm. Vì thế, dự phòng bệnh được coi là chiến lược quan trọng nhất. Theo đó, người dân không hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc, cải thiện vệ sinh công nghiệp và tránh tiếp xúc với khói bụi, đi khám sức khỏe định kỳ.
Với những người ngoài 50, bác sĩ khuyến cáo cần tầm soát ung thư phổi 6 tháng - 1 năm/lần. Đặc biệt với người hay hút thuốc lá, thuốc lào nhiều nên đi tầm soát sớm hơn.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/7-trieu-chung-canh-bao-ung-thu-phoi-20210506193139376.htm