Bất cứ ai cũng có thể bị bệnh viêm tai ngoài, tuy nhiên thường gặp nhất là trẻ em. Bơi lội thường xuyên, hay lấy ráy tai... là một trong các yếu tố nguy cơ gây bệnh.
Ảnh minh họa: salud.net.ar
Những ngày qua, thời tiết trở lại nắng nóng với nhiệt độ ngoài trời có khi trên 34 - 35 độ C. Đây cũng là lúc mọi người thường xuyên đi bơi, tắm biển, tắm sông để 'trốn' nóng.
Bơi lội đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên cũng tiềm ẩn nguy cơ mắc một số bệnh, trong đó có bệnh lý tai ngoài.
Người lớn, trẻ con đều bị
Bệnh tai của những người bơi lội (hay Swimmer’s ear) là tên gọi thông thường của bệnh viêm tai ngoài (otitis externa). Đây là một tình trạng nhiễm trùng điển hình của da ống tai gây ra do sự tiếp xúc với nước thường xuyên hoặc trong thời gian dài. Việc tiếp xúc này đã tạo môi trường ẩm ướt trong ống tai, tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như (vi trùng, nấm…) phát triển.
Bất cứ ai cũng có thể bị bệnh lý viêm tai ngoài, tuy nhiên tần suất mắc bệnh cao nhất gặp ở trẻ em. Do đó chúng ta cần phân biệt bệnh lý viêm tai ngoài với bệnh lý viêm tai giữa cũng là một bệnh khá thường gặp, xảy ra sau khi trẻ bị những đợt nhiễm trùng hô hấp trên như cảm thường, viêm mũi, viêm xoang…
Các triệu chứng ban đầu của bệnh viêm tai ngoài thường nhẹ, tuy nhiên bệnh có thể nặng lên nếu tình trạng nhiễm trùng lan rộng và không được điều trị thích hợp. Bệnh thường được chia ra thành 3 mức độ: nhẹ, trung bình và nặng.
Ở mức độ nhẹ, người bệnh sẽ cảm thấy ngứa trong ống tai, ống tai hơi đỏ và đau khi kéo nhẹ vành tai hoặc đôi khi sẽ thấy có ít dịch trong ống tai.
Ở mức độ trung bình, người bệnh sẽ cảm thấy ngứa nhiều hơn, các biểu hiện của hiện tượng viêm như sưng, nóng đỏ, đau cũng gia tăng. Người bệnh có thể than phiền rằng họ cảm giác ống tai bị đầy, tắc nghẽn hoặc nghe kém hơn so với bình thường.
Ở mức độ nặng, cơn đau từ tai ngoài có thể lan đến mặt, cổ và hai bên đầu. Ống tai bị sưng nề và tắc nghẽn gần như hoàn toàn. Người bệnh có thể có sốt và nổi hạch cổ.
Bình thường ống tai ngoài của chúng ta có một hàng rào bảo vệ đó là ráy tai. Ráy tai được hình thành do sự bài tiết của các tuyến ở da ống tai. Chúng tạo nên một lớp màng mỏng, không thấm nước, lót mặt trong ống tai.
Môi trường acid của ráy tai cũng giúp ngăn chặn sự phát triển của các vi khuẩn. Ráy tai cũng giúp giữ lại bụi bẩn, các tế bào da chết và đẩy dần những thành phần này ra bên ngoài.
Ngoài ra, các sụn vành tai cũng góp phần ngăn chặn sự xâm nhập của các vật thể lạ vào bên tỏng ống tai. Một khi hàng rào bảo vệ này bị phá vỡ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus hoặc nấm xâm nhập, phát triển và gây bệnh.
Do đó, các yếu tố nguy cơ của bệnh viêm tai ngoài bao gồm:
- Bơi lội thường xuyên hoặc bơi lội ở những vùng nước không sạch
- Thường xuyên lấy ráy tai bằng các dụng cụ kim loại hoặc que tăm bông
- Sử dụng thường xuyên các loại tai nghe hoặc sử dụng máy trợ thính
- Đeo các trang sức, khuyên tai, sử dụng các loại thuốc nhuộm tóc hoặc gel xịt tóc gây dị ứng da vùng tai ngoài.
Cách phòng bệnh viêm tai ngoài?
Người thường xuyên bơi lội nên bảo vệ tai, tránh để tai bị ẩm ướt tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm... phát triển - Ảnh: REUTERS
Bệnh viêm tai ngoài thường là một bệnh nhẹ, tuy nhiên nếu không điều trị đúng có thể gây nên các biến chứng như: nghe kém tạm thời, viêm tai ngoài mạn tính, viêm mô tế bào, hoặc các biến chứng hiếm gặp hơn nhưng nguy hiểm đến tính mạng như: viêm sụn, viêm xương hoặc ảnh hưởng đến sọ não và các thần kinh lân cận.
Để phòng tránh bệnh viêm tai ngoài cũng như các biến chứng của bệnh, chúng ta cần thực hiện những biện pháp sau:
1. Giữ tai luôn khô ráo. Nên sử dụng mũ bơi, nút bịt tai khi bơi lội.
2. Làm khô tai sau khi bơi hoặc tắm. Sử dụng khăn mặt là biện pháp tốt nhất. Ngoài ra có thể sử dụng máy sấy tóc đúng cách để làm khô ống tai.
3. Không nên thường xuyên lấy ráy tai.
4. Bỏ các thói quen ngoáy tai bằng các vật lạ như que tăm bông, ngón tay, kẹp giấy, bút chì, chìa khóa...)
5. Không tự ý sử dụng thuốc nhỏ tai khi đang đặt ống thông nhĩ hoặc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
6. Nên sử dụng bông gòn bít kín ống tai trước khi sử dụng các loại thuốc nhuộm tóc hoặc keo xịt tóc.
7. Tham khảo ý kiến của bác sĩ tai mũi họng khi có các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh viêm tai ngoài để có biện pháp điều trị và phòng bệnh hiệu quả.
Theo ThS.BS Nguyễn Quang Minh/Tuổi trẻ (Giảng viên Khoa Y, ĐH Quốc gia TP.HCM)
https://tuoitre.vn/de-phong-bi-viem-tai-ngoai-mua-nong-20210428081843376.htm