Mặc dù đã uống nhiều nước nhưng vẫn luôn thấy khát nước có thể là một dấu hiệu cảnh báo những vấn đề sức khỏe nguy hiểm như tiểu đường, thiếu máu hoặc tăng canxi máu.
Khát nước là một phản ứng tự nhiên của cơ thể nhằm báo cho não bộ biết rằng cơ thể đang cạn kiệt nước, cần bổ sung để đảm bảo các hoạt động được tốt - Ảnh: HEALTHLIFE
Thông thường chúng ta sẽ thấy khát nước sau khi tập thể thao, ăn mặn hoặc thời tiết nóng nực. Nhưng nếu bạn không làm bất cứ hoạt động nào dẫn đến khát nước, hoặc đã uống liên tục mà vẫn thấy khát nước thì điều đó có thể báo hiệu một vấn đề sức khỏe khác.
Bệnh tiểu đường
Đi tiểu nhiều lần hoặc khát nước, đi kèm với khô miệng là những triệu chứng khởi phát thường gặp của bệnh tiểu đường type 2. Nó cũng có thể là một dấu hiệu của sự tăng đường huyết, một tình trạng có quá nhiều đường trong máu, thường gặp nhất ở những người mắc bệnh tiểu đường.
Khi chúng ta bị tiểu đường, glucose sẽ tích tụ trong máu buộc thận phải làm việc quá sức để cố gắng hấp thụ. Thận không thể hoạt động kịp sẽ khiến cơ thể tạo ra nhiều nước tiểu hơn bình thường. Nỗ lực thải lượng đường dư thừa quá mức đó sẽ tiếp tục diễn ra cho đến khi lượng đường trong máu trở lại bình thường. Quá trình này khiến chúng ta luôn cảm thấy khát nước.
Thiếu máu
Thiếu máu là trường hợp cơ thể không có đủ các tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Tình trạng này có thể mắc phải từ khi sinh ra hoặc trong các giai đoạn sau này do lối sống, bị thương hoặc một căn bệnh khác.
Thiếu máu nhẹ không gây khát quá nhiều. Trong tình trạng thiếu máu nặng, chúng ta sẽ thấy rất khát nước kèm các triệu chứng như chóng mặt, kiệt sức, choáng váng, mạch đập nhanh, tái mặt hoặc đổ mồ hôi nhiều.
Tăng canxi máu
Đây là tình trạng mà nồng độ canxi trong máu ở trên mức bình thường. Nguyên nhân có thể là do tuyến cận giáp hoạt động quá mức, hoặc là dấu hiệu của một bệnh khác như lao, bệnh u hạt, thậm chí ung thư.
Tăng canxi máu gây cảm giác vô cùng khát nước, uống bao nhiêu cũng không đủ. Kèm theo đó là các triệu chứng đi tiểu thường xuyên hơn, đau bụng, buồn nôn, táo bón, đau xương và yếu cơ, cảm giác lú lẫn, mệt mỏi và trầm cảm, rối loạn nhịp tim...
Đôi khi khát quá mức có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc, bao gồm cả lithium, một số loại thuốc chống loạn thần và thuốc lợi tiểu.
Trong bất cứ trường hợp nào, việc chúng ta cần làm khi khát chính là bổ sung nước cho cơ thể. Nhưng nếu khát quá mức, uống liên tục mà vẫn khát, bạn cần gặp bác sĩ để thăm khám và điều trị.
Theo Minh Hải/Tuổi trẻ (Nguồn Health, Timesnownews)
https://tuoitre.vn/luon-thay-khat-nuoc-canh-bao-benh-gi-20210419104824883.htm