Sức khỏe gan là rất quan trọng đối với sức khỏe chung. Rối loạn chức năng gan có thể dẫn đến bệnh gan, rối loạn chuyển hóa và thậm chí là tiểu đường type 2.
Thức khuya
Người hiện đại thường thức khuya do làm việc ngoài giờ hoặc đơn giản là lạm dụng thiết bị thông minh. Điều này làm rối loạn cơ chế phục hồi của gan ở một mức độ nhất định và làm tổn thương gan. Thói quen này càng nguy hiểm hơn với những người đã có sẵn những bệnh lý về gan như gan nhiễm mỡ, viêm gan…
Từ 1 đến 3 giờ sáng là lúc túi mật đẩy mạnh tiêu hóa chất béo, mỡ xấu và cholesterol. Các chức năng này sẽ đạt hiệu quả cao nhất nếu cơ thể ở trong trạng thái ngủ say. Do đó nếu chúng ta thức khuya sẽ làm thay đổi đồng hồ sinh học tự nhiên, làm tăng sinh nhiều phản ứng oxy hóa sản sinh ra nhiều chất trung gian độc hại, gây khó khăn cho quá trình thực hiện nhiệm vụ thải độc của gan, thậm chí có thể làm tổn thương gan.
Không những thế, thiếu ngủ hoặc nghỉ ngơi không hợp lý có thể dẫn đến sự thiếu hụt máu ở gan, ảnh hưởng đến sự nuôi dưỡng tế bào gan làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể. Với người nhiễm virus viêm gan B, tế bào bị hư hại sẽ rất khó phục hồi và có khả năng nguy hiểm hơn.
Vì vậy nên nghỉ ngơi trước 23 giờ để có được giấc ngủ sâu vào khoảng từ 1 đến 3 giờ sáng, bởi đây là thời gian tốt nhất nuôi dưỡng máu trong gan. Đồng thời, nên ngủ đủ giấc, trung bình 8 tiếng mỗi ngày.
Giận dữ
Nếu trạng thái tinh thần của bạn không tốt, nó sẽ ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể và gan cũng không phải là ngoại lệ. Khi bạn bị stress hay bực tức thì áp lực máu sẽ tăng cao làm lượng máu lưu thông qua gan sụt giảm mạnh, không đủ để duy trì hoạt động bình thường. Đặc biệt với những người có các cảm xúc tiêu cực trong một thời gian dài mà không được giải tỏa thì có thể gặp phải các dấu hiệu tổn thương gan trầm trọng như tức ngực, đau xương sườn.
Lạm dụng bia rượu
Rượu bia dù nặng hay nhẹ đều có chứa cồn (ethanol) - là một chất độc, nên ngay sau khi được hấp thụ vào máu, cơ thể sẽ tiến hành hoạt động đào thải ethanol ra ngoài. Một phần nhỏ được thải ra ngoài qua tuyến mồ hôi, nước tiểu, hơi thở, 90% còn lại sẽ được chuyển hóa ở gan.
Sau đó, gan sẽ chuyển hóa acetaldehyde thành acetate nhờ enzyme ALDH và glutathione. Acetate là chất ít độc hơn và được các tế bào trong cơ thể phân hủy thành năng lượng và CO2. Từ đó, có thể thấy khả năng giải độc của gan phụ thuộc vào lượng enzyme và chất chống oxy hóa glutathion do gan tiết ra. Song khả năng của gan chỉ có hạn, nó chỉ có thể sản sinh ra một lượng enzyme nhất định mỗi giờ, tương ứng với một lượng acetaldehyde nhất định được chuyển hóa. Do vậy nếu uống rượu, bia với số lượng quá nhiều, thì gan không kịp sản xuất đủ số lượng men để chuyển hóa Acetaldehyde nữa. Khi đó acetaldehyde tồn tại trong cơ thể, gây phá hủy tế bào gan, dẫn đến viêm gan cấp tính. Khi các tế bào trong gan bị phá hủy sẽ giải phóng men gan vào máu gây ra tình trạng men gan tăng cao. Nếu tình trạng này không được xử lý kịp thời, lâu ngày rất dễ dẫn đến viêm gan mạn tính, xơ gan, thậm chí ung thư gan.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu uống rượu bia quá nhiều và uống trong thời gian dài thì chất độc được chuyển hóa từ bia rượu sẽ gây tổn thương tế bào gan, có thể gây ra các bệnh: gan nhiễm mỡ, viêm gan do rượu và xơ gan do rượu. Đáng lưu ý, các bệnh này có thể xảy ra cùng lúc hoặc diễn tiến từ từ theo thời gian.
Theo Minh Nhật/Dân trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/ban-co-dang-mac-phai-3-thoi-quen-hai-gan-hang-dau-cua-nguoi-viet-20210415112753299.htm