100 gam khoai tây có khoảng 74 calo và một củ khoai tây cỡ nắm tay chỉ có khoảng 150 calo.
Chuyên gia dinh dưỡng người Trung Quốc Chen Yiting cho biết: "Khoai tây không chứa nhiều calo. Chủ yếu là do cách chế biến thông thường của chúng ta là chiên giòn hoặc thêm quá nhiều gia vị làm tăng lượng calo cho món khoai tây khiến loại thực phẩm này mang tiếng xấu".
Vì vậy, để tận dụng loại thực phẩm này trong thực đơn giảm cân của mình, bạn nên chế biến bằng những cách "lành mạnh" hơn như: hấp, luộc, rang. Tránh chiên hoặc thêm quá nhiều sốt phô mai, sốt salad và các loại sốt khác để không làm tăng thêm quá nhiều calo.
Giá trị dinh dưỡng tuyệt vời của khoai tây
Khoai tây chứa vitamin C, kali, chất xơ và tinh bột. Khoai tây được chứng minh có nhiều giá trị cho sức khỏe..
Cụ thể, chất kali dồi dào trong khoai tây có thể điều chỉnh huyết áp, cùng với vitamin C có thể chống viêm và duy trì độ đàn hồi của mạch máu nên có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Chất xơ được xem như một chất dinh dưỡng cho men vi sinh đường ruột để giúp đường ruột khỏe mạnh và mang lại cảm giác "no giả".
Lượng tinh bột mà khoai tây sở hữu không dễ tiêu hóa và hấp thụ. Do đó, thành phần này vừa có thể làm no bụng, vừa thúc đẩy quá trình oxy hóa lipid sau bữa ăn và giảm tích tụ mỡ giúp giảm cân.
Đối với những người muốn giảm cân, có thể lựa chọn khoai tây để thỉnh thoảng thay thế cơm. Lượng calo của khoai tây thấp hơn nhiều so với cơm trắng. Theo tính toán, một bát khoai tây chỉ cung cấp khoảng một nửa lượng calo của cơm trắng.
Cách lựa chọn khoai tây
Chuyên gia khuyến cáo chỉ mua khoai tây khi lớp vỏ còn nguyên vẹn, không mọc mầm. Tuyệt đối tránh mua khoai tây có các đốm chồi (dấu hiệu mọc mầm) hoặc lớp vỏ chuyển sang màu xanh.
BS Chen Yiting nhấn mạnh rằng, khoai tây mọc mầm phải được vứt bỏ để tránh ngộ độc. Vì khoai tây sẽ tiết ra chất độc solanin trong quá trình nảy mầm và chất độc này cũng không thể bị phân hủy khi nấu chín.
Nồng độ solanin thấp khi khoai tây vừa mới nảy mầm, nhưng khi chồi phát triển, nồng độ sẽ tăng lên. Sau khi ăn, có thể xuất hiện các triệu chứng như ngứa cổ họng, nóng rát hoặc viêm nhiễm, dị ứng, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn và nôn, đau bụng, tiêu chảy và khó thở.
Gợi ý cách chế biến khoai tây ngon và ít calo
Miễn là bạn chọn đúng phương pháp nấu ăn và chú ý đến lượng tiêu thụ, khoai tây sẽ trở thành món ăn ngon và lành mạnh. Hai món ăn từ khoai tây sau đây không chỉ đơn giản, ngon miệng mà còn ít calo:
Khoai tây nướng
Nguyên liệu: 2 củ khoai tây, dầu ô liu, muối, tiêu, hương thảo (nếu có).
Cách làm:
- Đặt lò nướng ở mức 180 độ.
- Rửa sạch khoai tây và cắt thành miếng vừa ăn
- Đặt khoai tây lên khay nướng và cho dầu ô liu, muối, tiêu và hương thảo lên.
- Tùy thuộc vào kích thước của khoai tây, nướng trong 20 đến 30 phút cho đến khi chín.
Canh khoai tây
Nguyên liệu: 1 củ khoai tây, nửa củ hành tây, nửa củ cà rốt, 120g ức gà, dầu ăn, muối, tiêu.
Cách làm:
- Gọt vỏ và cắt hạt lựu khoai tây, hành tây, cà rốt và ức gà.
- Làm nóng chảo dầu với lửa vừa, sau đó cho hành tây vào phi thơm, tiếp theo cho khoai tây và cà rốt vào xào chín tới, rồi cuối cùng cho ức gà vào.
- Cho thêm nước vào đun sôi, rồi hạ lửa nấu đến khi khoai mềm.
- Thêm muối, tiêu và gia vị cho vừa ăn.
Theo Minh Nhật/ Dân Trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/vi-sao-khoai-tay-la-thuc-pham-sang-gia-trong-thuc-don-giam-can-20210409182729916.htm