Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng là điều rất cần thiết để đảm bảo sức khỏe trong thời tiết mùa hè nóng nực. Tuy nhiên, có một số loại thực phẩm nên hạn chế ăn vào mùa hè.
Giá đỗ
Hạt đậu cần điều kiện ấm và độ ẩm để phát triển, đây cũng là điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của vi khuẩn, bao gồm Salmonella, Listeria và E. coli. Ngay cả những loại giá đỗ tự trồng tại nhà trong điều kiện vệ sinh tốt cũng có thể nhiễm khuẩn vì hạt giống đã bị ô nhiễm.
Đặc biệt, khi kết hợp giá đỗ với thức ăn có nước, nguy cơ ngộ độc thực phẩm càng tăng. Vì vậy nên sơ chế giá đỗ thay vì chỉ rửa sơ, ăn sống.
Hàu sống
Hàu là món ăn quen thuộc trong những chuyến du lịch biển vào mùa hè. Tuy nhiên, hàu và các loại động vật có vỏ chứa Vibrio Parahaemolyticus và Vibrio Vulnificus – 2 loại vi khuẩn gây buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, đau bụng ở người khỏe mạnh.
Với những người mắc các bệnh về gan, tiểu đường, ung thư hoặc những bệnh ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, vi khuẩn Vibrio Vulnificus có thể xâm nhập vào máu và đe dọa tới tính mạng.
Dưa hấu
Vi khuẩn Listeria có thể sống trên vỏ ngoài của quả dưa hấu. Đây là loại vi khuẩn có khả năng gây ra bệnh ngộ độc thực phẩm nguy hiểm. Không như các loại vi khuẩn khác, Listeria có thể sống trong môi trường tủ lạnh bình thường, chỉ nấu chín mới có thể tiêu diệt được chúng, nhưng khi thực phẩm nguội đi, chúng có thể sinh sôi trở lại.
Vì vậy, trước khi ăn dưa hấu, cần rửa vỏ quả thật kĩ để tránh tình trạng vi khuẩn Listeria lây lan từ vỏ dưa vào bên trong quả.
Cà chua
Cà chua là một loại thực phẩm tốt cho sức khỏe và có thể chế biến cùng nhiều món ăn. Tuy nhiên, cà chua sống cũng có thể chứa nhiều vi khuẩn có hại, bao gồm Salmonella – một loai vi khuẩn gây nhiễm khuẩn đường ruột. Loại vi khuẩn này còn được tìm thấy trong phân động vật và có thể lây lan qua nước hồ, nước tưới.
Trước khi chế biến cà chua, bạn nên rửa kỹ và loại bỏ những quả bị dập, hư thối.
Trứng
Vi khuẩn Salmonella có thể sống cả trong và bên ngoài vỏ trứng. Đặc biệt, với món trứng ốp la, trứng không được nấu chín đến nhiệt độ cần khiết cũng tạo điều kiện cho Salmonella sinh sôi.
Thức ăn thừa
Thức ăn thừa cần được xử lý đúng cách và bảo quản ở nhiệt độ hợp lý. Thức ăn thừa sẽ trở nên nguy hiểm nếu được lưu trữ trong nhiệt độ từ 4 đến 60 độ C. Thời gian thích hợp để bảo quản và sử dụng lượng thức ăn thừa là trong vòng 4 giờ.
Đặc biệt, vào mùa hè, nếu thức ăn thừa bị bỏ quên ở thời điểm nóng nhất trong ngày, cần loại bỏ chúng thay vì tiếp tục sử dụng.
Theo Minh Anh/Lao động (Nguồn HEALTH)
https://laodong.vn/dinh-duong-am-thuc/nhung-loai-thuc-pham-can-luu-y-han-che-an-vao-mua-he-890135.ldo