Ung thư túi mật là một bệnh lý tương đối hiếm gặp và có dự hậu xấu. Đây là một loại ung thư điều trị khó do ung thư lan rộng, nhanh và thường di căn vào các cơ quan kế cận.
Những ung thư túi mật khi còn nhỏ thường không có triệu chứng, nó có thể được phát hiện tình cờ trong mảnh sinh thiết túi mật do viêm và sỏi. Tuy nhiên một số triệu chứng dưới đây giúp gợi ý khi mắc căn bệnh này.
Khi ung thư túi mật đã có triệu chứng thì triệu chứng thường gặp nhất là đau hạ sườn phải thường xuất hiện trong 3/4 trường hợp hoặc đau vùng 1/4 trên bên phải, kế đến là bệnh nhân nhập viện trong tình trạng vàng da và gầy sút hoặc bệnh nhân nhập viện trong tình trạng buồn nôn và nôn.
Khoảng 10% bệnh nhân nhập viện với các triệu chứng gợi ý như viêm túi mật hoặc được phát hiện trong hoặc sau khi mổ túi mật.
Khám lâm sàng có thể phát hiện dấu hiệu vàng da, vàng mắt, sờ được khối hoặc mảng cứng nằm ở hạ sườn phải ngay dưới gan và di động theo nhịp thở trong khoảng 40% trường hợp. Triệu chứng cổ trướng hoặc các dấu hiệu của một ung thư màng bụng hoặc gan to do di căn ung thư xuất hiện trong khoảng 10% trường hợp.
Để chẩn đoán chính xác ung thư mật, trước hết phải khám sàng lọc các yếu tố liên quan đến gia đình. Sau đó, thăm khám lâm sàng: Kiểm tra vùng bụng để xác định những bất thường nếu có như u cục, đau hoặc tích tụ dịch. Da và mắt sẽ được kiểm tra xem có màu vàng bất thường không. Các hạch bạch huyết cũng được khám để tìm khối u có thể xuất hiện nếu ung thư túi mật đã lây lan đến các hạch này.
Ngoài ra, cần làm một số xét nghiệm: siêu âm, CT scanner bụng (siêu âm và CT scanner còn giúp hướng dẫn chọc kim sinh thiết khối u giúp chẩn đoán tế bào học), xét nghiệm máu, xét nghiệm hình ảnh, nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP).
Cần lưu ý, một số tổn thương túi mật có thể nhầm với ung thư túi mật như adenoma túi mật, u mỡ, ứ đọng trong túi mật chất dạng cholesterol, polyp túi mật. Trong trường hợp ung thư túi mật lan vào đường mật chính thì cần phân biệt với ung thư đường mật và ung thư đầu tụy. Để tránh nhầm lẫn, cần làm các xét nghiệm như siêu âm, CT scanner, chụp đường mật có cản quang hoặc nội soi ổ bụng.
Vì vậy, khi có một số dấu hiệu bất thường như đau bụng, nôn hoặc buồn nôn, vàng da, vàng mắt, u cục ở bụng… hoặc ăn kém ngon miệng, giảm cân, sốt, ngứa da, nước tiểu đậm màu, phân có màu nhạt hay chứa nhiều dầu mỡ… cần tới cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Theo Minh Anh/Dân trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/trieu-chung-am-tham-bao-hieu-ung-thu-tui-mat-ma-ban-nen-biet-20210203211756862.htm