Nhiều người có thói quen bẻ khớp tay, vặn tay và cho rằng việc làm này sẽ giúp thả lỏng khớp xương. Tuy nhiên, việc lặp lại thói quen này trong thời gian dài có thể khiến cấu trúc sụn khớp bị tổn thương, gây ra các biến chứng nguy hiểm cho xương khớp.
Bản chất của việc bẻ khớp ngón tay
Bẻ khớp ngón tay là thói quen của rất nhiều người khi cảm thấy các khớp co cứng, tê mỏi. Khi bẻ các khớp ngón tay như vậy sẽ phát ra tiếng kêu rắc rắc bởi vì hầu hết khớp xương đều bao gồm các túi nhỏ hoặc khoảng trống chứa chất hoạt dịch khớp. Chất lỏng này có tác dụng bôi trơn và giảm sự va chạm của các đoạn xương khi bạn vận động.
Khi bạn bẻ khớp ngón tay hoặc mọi bộ phận khác trong cơ thể để “giãn gân giãn cốt”, không gian trống giữa các khớp xương giãn ra, áp suất giảm khiến chất hoạt dịch bị hút vào các khoảng trống gây ra tiếng rắc rắc mà chúng ta thường nghe.
Việc bẻ khớp tay giúp các khớp xương giãn ra, đem lại cảm giác thoải mái cho cơ thể. Tuy nhiên, việc lạm dụng việc này sẽ dẫn đến một số tác hại khôn lường cho xương khớp. Ảnh: Minh Quang
Theo các chuyên gia xương khớp, sau khi bẻ khớp ngón tay, đốt tay, bạn có thể gặp 2 cảm giác là thoải mái hơn hoặc rơi vào tình trạng đau nhức. Đối với trường hợp bẻ khớp chỉ phát ra tiếng răng rắc hoặc lục cục mà không kèm theo biểu hiện đau nhức, khác thường nào thì bạn có thể yên tâm. Vì vấn đề này hết sức bình thường, không gây hại cho xương khớp.
Tác hại của thói quen bẻ khớp tay
Tuy nhiên, khi bạn thường xuyên bẻ khớp, cấu trúc xương sẽ tự động thích nghi, các dây chằng xung quanh bị giãn ra dẫn đến một số bệnh về xương khớp .
Khi bạn bẻ đốt ngón tay, các dây chằng sẽ bị kéo giãn đột ngột. Một số trường hợp, lực bẻ khớp quá mạnh làm dây chằng bị giãn quá ngưỡng. Nếu cứ duy trì thói quen như vậy liên tục, dây chằng sẽ mất đi sự đàn hồi, khiến các khớp trở nên lỏng lẻo, làm gia tăng nguy cơ viêm khớp.
Ngoài ra, việc duy trì thói quen bẻ đốt ngón tay trong thời gian dài, với tần suất liên tục sẽ gia tăng áp lực và sự cọ xát lên mặt khớp, làm hao mòn mặt khớp. Theo đó, trong sụn khớp có khoảng 2% tế bào sụn. Việc bẻ các ngón tay là nguyên nhan ở khớp bị hao hụt chất sụn do các vi chấn thương tích tụ. Trường hợp nặng có thể gây thoái hoá và viêm mặt sụn khớp dẫn đến viêm đau khớp ngón tay.
Nếu duy trì thói quen này lâu dài, về già bạn rất dễ gặp vấn đề về đau nhức các khớp. Hành động nắn, bẻ khớp tay sẽ làm hao mòn tế bào sụn, khiến các gai xương mọc ra, tác động đến các mô xung quanh khớp gây đau nhức, viêm sưng ngón tay. Khi tuổi càng cao, hệ dây chằng, gân, sụn trở nên kém linh động, dễ tổn thương hơn nên việc vặn bẻ khớp sẽ làm gia tăng tốc độ thoái hóa khớp.
Theo Ths.Bs Nguyễn Thị Hằng- chuyên khoa xương khớp, Bệnh viện Tuệ Tĩnh- Học viện Y học Cổ truyền Việt Nam: để từ bỏ thói quen này cũng như hạn chế các tổn thương cho khớp, mỗi khi cảm thấy mỏi, bạn chỉ nên cử động khớp qua lại nhẹ nhàng, đến góc độ tối đa của khớp mà vẫn chưa gây đau hay tạo ra tiếng là được. Các động tác đơn giản này sẽ góp phần gia tăng lưu lượng máu đến mô, giúp bạn cảm thấy dễ chịu mà vẫ tránh được các vi chấn thương.
Bản chất của bẻ khớp ngón tay là vô hại. Nhưng nếu bạn biến chúng thành thói quen và thực hiện bẻ khớp tay quá nhiều sẽ dẫn đến những bệnh nghiêm trọng liên quan đến xương khớp. Do đó, ngay từ bây giờ hãy từ bỏ thói quen này để có một hệ sức khoẻ xương khớp tốt nhất.
Theo Minh Trí/Lao động
https://laodong.vn/lam-dep/be-khop-ngon-tay-keu-rang-rac-thoi-quen-tai-hai-cua-nhieu-nguoi-875070.ldo