Trẻ vị thành niên bắt đầu có những thay đổi về mặt tâm sinh lý, những thay đổi này khiến các em trở nên nhạy cảm, tò mò và thích tìm hiểu nhiều hơn về cuộc sống xung quanh. Điều này nghe có vẻ tốt nhưng nếu cha, mẹ không quan tâm, để ý thì sẽ rất dễ để lại nguy cơ, hậu quả cho trẻ.
Dễ nảy sinh tình cảm khác giới
Ở tuổi vị thành niên, trẻ dễ rung động và nảy sinh tình cảm với bạn khác giới. Trẻ vị thành niên nói chung, học sinh bậc trung học nói riêng yêu sớm là vấn đề khiến các bậc cha mẹ và thầy cô cảm thấy không yên tâm.
Nguyên nhân là do trẻ vị thành niên có trí tuệ, thân thể phát triển nhanh. Thêm vào đó ở độ tuổi này, trẻ bắt đầu sử dụng internet thường xuyên, được tiếp cận với lượng thông tin lớn trong đó có thông tin về tình cảm lứa đôi và giới tính khiến trẻ tò mò, muốn tìm hiểu.
Quan hệ tình dục sớm
Học sinh yêu sớm đến mức mù quáng rất dễ nảy sinh quan hệ tình dục thiếu an toàn. Ở tuổi vị thành niên, sự phát triển cơ thể chưa hoàn chỉnh.
Nếu quan hệ tình dục ở giai đoạn này sẽ dẫn đến những nguy cơ như: Mang thai sớm ngoài ý muốn, dễ sảy thai, đẻ non, làm tăng nguy cơ tử vong của người mẹ; làm mẹ quá trẻ; trẻ sinh ra thiếu cân, suy dinh dưỡng, mắc bệnh hoặc thậm chí là tử vong; bỏ học giữa chừng, ảnh hưởng tới tương lai.
Tuổi vị thành niên là độ tuổi nhạy cảm cần được quan tâm. Ảnh đồ họa: MV
Ở trong giai đoạn này, cha mẹ nên quan tâm và để ý đến con cái nhiều hơn. Các bậc cha mẹ nên dành thời gian trò chuyện tâm sự nhiều hơn với các em, cho con cái những định hướng đúng đắn về tình cảm.
Cha mẹ và nhà trường nên phối hợp để trang bị cho các em những kiến thức về sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính cho các em, giúp các em có kiến thức và nhận thức đúng đắn tránh được những sai lầm không đáng có.
Dễ bị trầm cảm
Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, tùy vào hoàn cảnh của các em. Một số nguyên nhân chính có thể kể đến như: Các sự kiện đau thương trong thời thơ ấu như bị lạm dụng thể xác hoặc tinh thần, hoặc mất cha mẹ có thể làm thay đổi trong não bộ, làm cho người đó dễ bị trầm cảm.
Trầm cảm tuổi teen có thể có liên quan tới việc quen cảm giác bất lực hơn là cảm thấy có khả năng tự tìm được cách giải quyết cho những thử thách trong cuộc sống.
Bệnh trầm cảm nếu không được điều trị sẽ gây ra rất nhiều hậu quả khó lường. Ảnh đồ họa: MV
Người bệnh không quan tâm, thích thú với những thú vui bình thường, mệt mỏi, suy nhược, cảm giác kiệt sức, mọi việc đều vượt quá sức mình.
Lãnh đạm với người thân, khóc lóc vô cớ, có cảm giác lo lắng, đôi khi có cơn hốt hoảng. Họ tự cho mình là kém cỏi, là kẻ thất bại, là gánh nặng cho gia đình, không còn hứng thú đến lớp, trốn tránh bạn bè và người thân, kết quả học tập sa sút.
Đối với việc trẻ bị trầm cảm, các bậc cha mẹ nên gặp bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý được huấn luyện làm việc với trẻ vị thành niên, hoặc trực tiếp đưa các em đến gặp bác sĩ.
Rất nhiều trường hợp cần phải chữa trị bằng thuốc, do bác sĩ chỉ định. Trẻ vị thành niên bị trầm cảm có nguy cơ tự tử mặc dù các triệu chứng không quá nghiêm trọng.
Theo Minh Vũ/Lao động (T/H)
https://laodong.vn/suc-khoe/nhung-nguy-co-thuong-gap-o-tre-vi-thanh-nien-ma-bo-me-nao-cung-can-biet-868809.ldo