Muốn trò chuyện cùng “người của muôn năm cũ” với những cách làm đẹp lạ lùng, muốn biết xứ sở của những tấm thổ cẩm “đẹp nhất thế giới dân tộc”, muốn tận mắt xem người bản địa rèn vũ khí hoặc chiêm ngưỡng nhà sàn cổ hàng trăm năm tuổi, hãy đến làng Buôn Go (huyện Cát Tiên, Lâm Đồng).
Thiếu nữ Mạ dệt thổ cẩm
Già làng Điểu K’Banh và gia đình em rể Điểu K’Rư ở Buôn Go sở hữu ngôi nhà dài duy nhất còn sót lại ở vùng này. Ngôi nhà được làm từ cách đây 50 năm, cột nhà bằng gỗ mun. Người ta bảo do đó nhà có thể tồn tại thêm hàng trăm năm nữa.
Hướng dẫn chúng tôi tham quan ngôi nhà có hình ô van, rộng 6,5m, dài 12,5m, ở giữa có bếp lửa được đào âm xuống đất, già K’Banh bảo không hề sử dụng bất kỳ một cây đinh nào suốt quá trình làm nhà. Bên trong nhà trưng bày những vật dụng sinh hoạt, công cụ lao động... của người Mạ, bộ đàn đá lâu niên, những chiếc chuông gió hình chim muông. “Đây là mẫu nhà cổ của người bản địa Tây Nguyên, mô phỏng hình hang đá ngày xưa. Trong quá trình khai quật một số di chỉ khảo cổ ở Tây Nguyên, các nhà khảo cổ đã phát hiện tàn tích của kiểu nhà này”, nhà dân tộc học Đinh Thị Nga nói.
Dịp lễ hội, các nghệ nhân người Mạ quảng bá nét văn hoá độc đáo và một số hoạt động, sinh hoạt trong đời sống hàng ngày như đan gùi, dệt thổ cẩm, giã gạo chày đôi... Du khách được thưởng thức loại rượu cần ủ từ men rừng, xem các chàng trai đánh chiêng điệu nghệ, còn các sơn nữ múa xoan uyển chuyển hoặc thả hồn với những làn điệu dân ca mượt mà.
Cà răng căng tai
Nhiều nhà nhiếp ảnh tìm đến làng Buôn Go xa xôi để săn ảnh những cụ bà với đôi dái tai lòng thòng, dài gần chấm vai theo phong tục cà răng căng tai của ông bà xưa. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hoài Linh đã đến Buôn Go và một số buôn làng lân cận để chụp cả trăm bức ảnh chân dung và sinh hoạt hàng ngày của bà con dân tộc thiếu số rồi mở triển lãm ảnh bên cạnh ngôi nhà sàn cổ của người Mạ vào đầu năm nay.
Gùi và mũi tên tẩm thuốc độc của người Mạ
Sau khi xem triển lãm, du khách rất bất ngờ khi được gặp gỡ, giao lưu với những người mẫu ảnh tại nhà sàn cổ. Nhiều du khách nước ngoài sững sờ ngắm vẻ đẹp lạ lùng của bà Ka Lang, người mẫu chính của triển lãm ảnh này. Nữ nghệ nhân người Mạ trẻ hơn so với tuổi 76 của mình, phong thái tự nhiên, cuốn hút với nụ cười thân thiện, đặc biệt là đôi dái tai dài được trang điểm bởi đôi khoen kỳ lạ to lớn như ống chỉ.
Già Ka Lang kể rằng cà răng căng tai là tập tục lâu đời của một số tộc người thiểu số Tây Nguyên. Trong dân gian còn lưu truyền câu chuyện rằng thuở xưa từng có nạn dịch lớn xảy ra. Yàng bảo người Mạ phải chia nhau đi tìm nơi ở mới. Ông tổ của người Mạ vùng này được Yàng chỉ đường dời buôn đến vùng đất có bảy con nước tụ hội, có loại lá con khỉ vẫn ăn. Vùng đất ấy vốn của loài khỉ nên người Mạ phải cà răng cửa đi để phân biệt đâu là người, đâu là khỉ và căng tai cho đẹp.
Cũng theo bà Ka Lang, khi bé gái mới mấy tháng tuổi, người ta đã lấy dùi hoặc gai nhọn để xuyên lỗ ở dái tai rồi dùng nước gừng đun sôi rửa hàng ngày, thỉnh thoảng lại vê, xoay cái gai để tạo lỗ. Khi vết thương lành hẳn thì dùng những lõi gỗ hoặc vật kim loại hình nón cụt từ nhỏ đến lớn để căng cho lỗ tai ngày càng to ra.
Người Mạ quan niệm lỗ tai càng to rộng, dái tai càng dài, có khi xệ xuống vai thì càng đẹp. Nhà giàu thường căng tai bằng ngà voi để chứng tỏ được sự quyền quý, còn nhà nghèo đeo các trang sức bình thường làm từ đá, lồ ô... Một đôi hoa tai ngà voi có thể đổi con trâu lớn hoặc cái ché cổ. Tuy nhiên tập tục này bị mai một dần, hiện chỉ còn dấu vết ở thế hệ từ 50 tuổi trở lên.
Nghề rèn điêu luyện
Người Mạ rất nổi tiếng với nghề rèn, có thể tự luyện quặng lấy sắt để rèn các vũ khí săn bắn, chống trả thú dữ như lao, giáo, mũi tên hoặc các công cụ sản xuất như dao, xà gạc (một loại dao quắm)… Ngày nay hầu hết các buôn làng người Mạ không còn giữ được nghề này, riêng người dân Buôn Go vẫn nổi lửa để rèn những vật dụng cần thiết.
“Những lúc rảnh rỗi, chúng tôi đốt lò để rèn công cụ cho đỡ nhớ nghề; đồng thời nhắc nhở cho con cháu lưu giữ nghề truyền thống của ông bà xưa. Trước đây, người Mạ thường cưa cây lồ ô để làm ống thụt thổi hơi, còn bây giờ có dụng cụ quay tay nên đỡ vất vả, chỉ 2 người là có thể rèn được”, già làng Điểu K’Banh nói. Cho chúng tôi xem cây xà gạc với lưỡi cong như vầng trăng khuyết, còn cán được làm bằng thân cây mây uốn cong hình chữ S rất độc đáo, già nói: “Đây là xà gạc dùng trong các nghi lễ, đòi hỏi kỹ thuật rèn rất tinh xảo, chỉ những người già giàu kinh nghiệm mới làm được”.
Già Điểu K’Banh kể ngày trước Buôn Go lọt thỏm trong thung lũng ba bên bốn bề là rừng, nơi trú ngụ của gấu, hổ, mang, nai, heo rừng, bò tót… nên hầu như người nào cũng biết đi săn, gia đình nào cũng có lao, ná. Chàng trai nào bắn ná, ném lao giỏi rất được coi trọng, có khả năng lấy được nhiều cô vợ xinh đẹp, giàu có.
Thổ cẩm nổi tiếng
Đi dọc đường làng, có thể bắt gặp nhiều phụ nữ Mạ miệt mài dệt những tấm thổ cẩm đầy màu sắc. Trong khi các dân tộc khác ở Tây Nguyên thường chọn những gam tối như xanh, đen để làm nền cho thổ cẩm thì người Mạ chọn màu trắng, nhờ vậy mà các họa tiết hoa văn khá nổi bật và tươi sáng.
Để tạo hoa văn trên thổ cẩm, ngoài việc dùng những thanh công cụ nhỏ đẩy luồn sợi khi dệt, phụ nữ Mạ còn khéo léo dùng tay luồn sợi thêu trên tấm vải mà không cần sử dụng kim.
Làng Buôn Go lưu giữ hầu hết những nét văn hóa độc đáo và nghề truyền thống của người Mạ, bởi thế dẫu ở nơi xa xôi bậc nhất của tỉnh Lâm Đồng, Buôn Go vẫn thu hút du khách và giới nghiên cứu khoa học.
Theo K.A/Tiền phong
https://www.tienphong.vn/van-hoa/doc-dao-buon-go-1740418.tpo