“Dịch COVID-19 đã làm đảo lộn mọi sinh hoạt đời sống xã hội, làm ngưng trệ sản xuất kinh doanh nhưng cũng giúp cho người dân “sống chậm”, nhận ra nhiều giá trị đích thực của cuộc sống. Trong đó có tình người, nghĩa đồng bào”... Đó là nhận định của ông Nguyễn Sự, một cựu lãnh đạo Hội An - nhân bàn về tác phẩm tranh khắc gỗ “Hội An xưa” của họa sĩ Nguyễn Tường Vinh đang được Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng giới thiệu online.
Tác phẩm “Hội An xưa” của họa sĩ Nguyễn Tường Vinh. Ảnh: Nguyễn Trinh
Số hóa hoạt động triển lãm mỹ thuật
Kể từ ngày xuất hiện dịch bệnh, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã nhanh chóng chuyển đổi hình thức hoạt động mới, triển lãm online vừa đảm bảo phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của công chúng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống sự lây lan của virus Sars-CoV-2. Công chúng yêu nghệ thuật có thể “tham quan”, thưởng lãm các tác phẩm nghệ thuật qua không gian mạng Internet, tại các trang mạng xã hội Facebook, Twitter, zalo... Gần như ngày nào, Danang Fine Arts Museum cũng giới thiệu những tác phẩm mới để ra mắt công chúng với những ghi chú tường tận.
Ngày 20.8, Bảo tàng giới thiệu tác phẩm “Hội An xưa” của họa sĩ Nguyễn Tường Vinh. Đây là tác phẩm được sáng tác vào năm 2015 bằng kỹ thuật in khắc gỗ với kích thước 116x194cm, hiện thuộc bộ sưu tập Tranh đồ họa của Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Nhiều nhà chuyên môn cho rằng, đây là tác phẩm có số lượng nhân vật nhiều nhất của tranh khắc gỗ Việt Nam, với khoảng hơn 400 nhân vật. Tác phẩm miêu tả chi tiết cảnh một thời phồn vinh của Hội An - một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của những thuyền buôn tới từ Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây từ nhiều thế kỷ trước. Trung tâm bức tranh là hình ảnh Chùa Cầu - biểu tượng cho sự giao thoa văn hóa giữa 3 nước Việt - Hoa - Nhật. Bên trên là khung cảnh đời sống thường nhật của người Việt với nhiều làng nghề và nét sinh hoạt nông nghiệp, công việc đồng áng. Bên dưới bức tranh là bến cảng nhiều tàu thuyền to nhỏ chen chúc của nhiều quốc gia đến giao thương. Tác phẩm như cây cầu bắc từ quá khứ đến hiện tại, đồng thời đang được nối nhịp để vươn tới tương lai...
Cần an nhiên để trường tồn
Đô thị cổ Hội An là một địa danh nổi tiếng của vùng đất Quảng Nam và được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào tháng 12.1999. Nhắc đến Hội An, du khách trong nước và quốc tế đã mặc nhiên định vị được một điểm đến hấp dẫn top đầu thế giới mà không cần chỉ dẫn gì thêm nhiều.
Dẫu Hội An từng là thương cảng sầm uất bậc nhất xứ Đàng Trong từ thế kỷ 16, 17 nhưng qua thời gian, bao biến cố lịch sử đã biến đô thị này thành một nơi quên lãng. Từ trước năm 1999, thị xã cũ với phần lớn người già sinh sống buồn tẻ và ít được biết đến. Nhờ chọn đúng con đường bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa để khai thác du lịch mà đô thị cổ Hội An đã sống trở lại, sầm uất và thịnh vượng như bây giờ.
Trong những ngày cách ly xã hội để phòng dịch COVID-19, Hội An tĩnh lặng hơn bao giờ hết và đây là quãng thời gian quý hiếm để “dưỡng thương”, theo cách nói của lãnh đạo Hội An, nghĩa là tranh thủ để tu bổ, sửa chữa những hư hỏng, xuống cấp vật thể bởi sự quá tải du lịch.
Tôi mời ông Nguyễn Sự, một cựu lãnh đạo Hội An thưởng lãm tác phẩm “Hội An xưa” của họa sĩ Nguyễn Tường Vinh qua Zalo. Ông không đánh giá tác phẩm mỹ thuật mà chỉ nói về thế sự. “Giới thiệu tác phẩm lúc này hay quá. Hội An đã trải qua bao cuộc thịnh suy, từng sầm uất, lãng quên, sôi động và giờ là vắng lặng... Xem tác phẩm cho mình ngẫm ra được nhiều điều. Con người phải nhận biết đâu là giá trị đích thực để trường tồn, Hội An cũng vậy”. Ông nói, cách đây 2.000 năm Phật đã dạy: “Không có một sắc nào thường trú bất biến, hoàn toàn chỉ có lạc tồn tại vĩnh viễn. Không có thọ, tưởng, hành, thức nào bất biến, hoàn toàn chỉ có lạc tồn tại vĩnh viễn”. Lạc, tức là sự an nhiên thường hằng. Dịch bệnh phần nào giúp con người hồi tâm, suy nghĩ chín chắn hơn về sự ứng xử ở đời.
Theo Lao động
https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/biet-chon-gia-tri-dich-thuc-de-hoi-an-truong-ton-830259.ldo