Mọi kiểu cách tân áo dài đều mang tính thể nghiệm nhưng phải lấy khuôn mẫu của áo dài truyền thống làm nền tảng cơ sở để thể hiện sự sáng tạo thẩm mỹ.
Áo dài là biểu tượng văn hóa dân tộc Việt Nam. Trong suốt tiến trình lịch sử của văn hóa, áo dài không ngừng biến đổi về kiểu dáng lẫn chất liệu, phụ kiện để tạo nên biểu tượng vẻ đẹp của phụ nữ Việt, vừa truyền thống vừa hiện đại.
Hoa hậu Tiểu Vy dịu dàng trong tà áo dài.
Từ chiếc áo tứ thân, năm thân được cách điệu dần thành chiếc Áo dài Le Mur, Lê Phổ cho tới chiếc Áo dài của phụ nữ Việt ngày nay định hình rõ nét và phát triển được tối đa ưu điểm của nó.
Muôn kiểu áo dài cách tân
Áo dài phụ nữ Việt Nam trong suốt thế kỉ XX đến nay đã có những biến đổi mạnh mẽ với 3 cuộc cách tân lớn vào những năm 30, 60-70 và 90 của thế kỷ XX. Từ cuộc cách tân áo dài đầu tiên diễn ra trong bối cảnh quan niệm thẩm mỹ về vẻ đẹp của phụ nữ bắt đầu thay đổi, do sự tiếp xúc giữa văn hóa cổ truyền Việt Nam và văn hóa phương Tây. Những cải cách kiểu dáng áo dài phụ nữ tiêu biểu phải kể đến áo dài Le Mur của họa sĩ Cát Tường năm 1933 và áo dài Lê Phổ của họa sĩ Lê Phổ năm 1934. Từ đây, trải qua bao lần cách tân cách điệu, áo dài đã tìm được hình hài chuẩn mực của mình.
Áo dài Cát Tường (1938). (Ảnh: Nhà nghiên cứu Trịnh Bách sưu tầm).
Nhiều năm trở lại đây, áo dài cũng có nhiều “cách tân”, thay đổi cho phù hợp với nhịp sống hiện đại. Áo dài được cách tân với những kiểu dáng dễ mặc hơn, tiện lợi hơn cho phái đẹp: không cổ, cổ thuyền, cổ tròn đang trở nên dần thịnh hành hơn. Ngoài ra còn có áo dài không tay, áo dài tay ngắn, tay lỡ… Thậm chí, nhờ những cách tân gọn gàng và sự bắt mắt, người Việt quay trở lại với chiếc áo dài vốn có của mình trong cuộc sống thường nhật sau một thời gian dài chỉ sử dụng vào các dịp lễ nghi đặc biệt.
Nếu khoảng 10 năm trước, những bộ áo dài cách tân chỉ xuất hiện trong những sự kiện thời trang như: sàn catwalk của những tuần lễ thời trang trong bộ sưu tập của nhà thiết kế Minh Hạnh, Sĩ Hoàng, Thủy Nguyễn, Hà Linh Thư…, thì đến năm 2016, sự xuất hiện của nhiều ngôi sao trong những bộ sưu tập áo dài vô cùng ấn tượng đã tạo nên cơn sốt áo dài cách tân cho mùa Tết của năm 2017. Điều này khiến nhiều người hâm mộ mong muốn có được cho riêng mình chiếc áo dài đó.
Nhà thiết kế Thuỷ Nguyễn và bộ sưu tập áo dài Cô ba Sài Gòn.
Áo dài cách tân dần trở thành xu hướng thời trang với đủ kiểu dáng mới lạ. Áo dài cách điệu với tà áo ngắn trên đầu gối, kết hợp với quần thun ôm, quần jean, hay quần tây ống ôm, nhỏ. Áo dài với quần culottes là một trong những kiểu cách tân táo bạo nhất từ bộ áo dài truyền thống. Áo dài với chân váy là bộ trang phục đang được giới trẻ đón nhận trong vài năm trở lại đây.
Theo Ths. Lưu Ngọc Thành, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, áo dài cách tân mang hơi thở thời trang của xã hội đương đại và đáp ứng nhu cầu về thẩm mỹ của người dân trong cả nước.
“Áo dài truyền thống đẹp đến chuẩn mực, song ngày nay không ít phái đẹp cảm thấy e ngại mỗi dịp phải diện chiếc áo dài truyền thống. Phần lớn, phái đẹp thấy chiếc áo dài truyền thống quá dài và rườm rà, khiến cho việc hoạt động hay đi lại trên phương tiện tham gia giao thông vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, đặc điểm thời tiết nhiệt độ quá cao (nóng) hay quá thấp (lạnh) làm chiếc áo dài truyền thống trở thành bộ trang phục không mấy phù hợp. Ngoài ra, có nhiều người có thân hình chưa được cân đối luôn gặp khó khăn khi mặc những chiếc áo dài truyền thống, một số trường hợp khác lại hay gặp khó khăn vì thiết kế hàng khuy của áo dài không được tiện lợi…”.
Tuy nhiên, trên thực tế đã xuất hiện nhiều tranh cãi trái chiều về những chiếc áo dài cách tân. Có quan điểm khắt khe cho rằng, mỗi năm áo dài cách tân như vậy là làm biến đổi, mất đi giá trị của tà áo dài. Những đổi mới quá táo bạo của tà áo, những kiểu cách tân thái quá, những biến tấu tự cho là cách tân áo dài,… xuất hiện ngày càng nhiều đến mức người Việt không còn nhận ra đó là chiếc áo dài truyền thống.
Trên trang cá nhân, nhà báo Hoàng Nguyên Vũ từng phải kêu lên: “Năm trước là áo dài mặc với quần ống bó, thôi thì cũng tạm chấp nhận dù nhìn hơi không giống ai cho lắm, giống như sữa pha với nước mắm để uống buổi sáng. Năm nay các chị em chân cò cẳng nhện bơi trong cái váy đụp, bên trên là thân áo dài, ôi thôi, mắm tôm pha với ca cao".
Những thiết kế thảm hoạ của áo dài cách tân.
Còn nhà thiết kế Đức Hùng khẳng định những kiểu cách tân đó không thể gọi là áo dài: “Nếu chúng ta cổ xúy, ủng hộ kiểu áo dài cách tân phối với váy đụp này thì hình ảnh tà áo dài truyền thống của Việt Nam sẽ bị mai một đi…”.
Nhưng bên cạnh đó, cũng có nhiều người ủng hộ việc thay đổi, làm mới tà áo truyền thống và bởi sự mới lạ và tiện lợi mà nó đem lại. Thời trang luôn đi liền với tính ứng dụng trong cuộc sống nên dù vướng phải nhiều tranh cãi nhưng theo nhu cầu, đòi hỏi của người mặc mà áo dài ngày càng có nhiều dạng “cách tân”, biến thể. Tuy nhiên cách tân thế nào cho phù hợp với thuần phong mỹ tục, giữ đúng bản sắc đòi hỏi sự sáng tạo, trình độ và trách nhiệm trước hết của các nhà thiết kế đối với áo dài.
Cách tân nên có chừng mực
Trong hội thảo “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc”, các nhà nghiên cứu, nhà thiết kế, nhà quản lý văn hoá cho rằng áo dài truyền thống là sự kế thừa giá trị lịch sử, trải qua hàng nghìn năm chứa đựng một cuộc hành trình dài cho đến hôm nay vì vậy việc giữ gìn vẻ đẹp của áo dài cần được xem là một chiến lược bảo vệ văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập.
Với những giai đoạn lịch sử khác nhau, áo dài có những thay đổi nhất định để phù hợp và mang hơi thở của thời đại. Tuy nhiên mọi kiểu cách tân áo dài đều mang tính thể nghiệm nhưng phải lấy khuôn mẫu của áo dài truyền thống làm nền tảng cơ sở để thể hiện sự sáng tạo thẩm mỹ.
ThS. Bùi Thị Kim Phương, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhận định: “Trải qua nhiều biến đổi thăng trầm, bao lần cách tân cách điệu, áo dài Việt Nam đã tìm được hình hài chuẩn mực của nó, hình dạng chiếc áo dài về cơ bản vẫn giữ nguyên, và dù có cải tiến cách nào thì vẫn chú trọng đến thị hiếu thẩm mỹ đã hình thành từ bao đời nay của người Việt, đó là sự kín đáo, trang trọng, đồng thời vẫn tôn lên vẻ đẹp hình thể của chính phụ nữ Việt”.
ThS. Bùi Thị Kim Phương cũng cho rằng, đối với trang phục áo dài cách tân cần tạo ra một sân chơi - đó là việc tổ chức các cuộc thi sáng tạo trong thiết kế áo dài được lấy cảm hứng từ trang phục áo dài truyền thống. Cùng với đó là có những điều tra thăm dò ý kiến để nắm bắt kịp thời suy nghĩ, góp ý đến từ phía công chúng, đặc biệt chú ý đến việc tiếp cận và phỏng vấn các nhà thiết kế thời trang áo dài truyền thống đang sinh nghề tử nghiệp đối với nghề trong suốt cả cuộc đời. Từ đó áo dài sẽ có sự điều chỉnh về mọi mặt để phù hợp với xu thế, nhu cầu đặt ra cũng như để trang phục truyền thống này thực sự lan tỏa vẻ đẹp Việt!./.
Theo Hạnh Lê - Hà Phương/VOV.VN
https://vov.vn/van-hoa-giai-tri/ao-dai-cach-tan-sang-tao-nhung-phai-co-chung-muc-1067092.vov