Trong tháng 6 chỉ có hơn 8.800 lượt người nước ngoài vào Việt Nam, trong đó chưa có khách du lịch nào. Nhiều kỳ vọng du lịch Việt Nam sẽ mở cửa thị trường quốc tế từ quý 3 với các kịch bản khác nhau.
Du lịch TP.HCM dùng công nghệ giới thiệu các điểm đến với du khách - Ảnh: N.BÌNH
Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 6 chỉ đạt 8.800 lượt người, mức thấp nhất trong nhiều năm qua, giảm 61,3% so với tháng trước và giảm 99,3% so với cùng kỳ năm trước.
Số khách quốc tế nhập cảnh Việt Nam chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam.
Hiện tại Việt Nam chưa có khách du lịch quốc tế do chưa mở cửa với thị trường du lịch quốc tế.
Tính chung 6 tháng đầu năm, khách quốc tế Việt Nam đạt 3,7 triệu lượt người, giảm 55,8% so với cùng kỳ 2019. Trong đó khách đến từ châu Á đạt 2,72 triệu lượt người, chiếm 72,9% tổng số khách đến.
Các thị trường chính cung cấp nguồn khách lớn cho Việt Nam như Trung Quốc giảm 63%, Hàn Quốc giảm 60,4%; Nhật Bản giảm 55,8%... Riêng khách đến từ Campuchia tăng 105,9%.
Khi nào Việt Nam có thể mở cửa trở lại với thị trường khách quốc tế là câu hỏi lớn nhất hiện nay với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành.
Tại Hội nghị du lịch Đông Nam Bộ được tổ chức ở Tây Ninh vừa qua, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã đề xuất Chính phủ cần có lộ trình mở cửa dần với du lịch quốc tế nhằm đưa ngành hồi phục trở lại.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng dịch COVID-19 còn kéo dài trên toàn thế giới và diễn tiến ở mỗi quốc gia không giống nhau. Do đó, Việt Nam không thể đợi cả thế giới hết dịch rồi mới mở cửa.
"Nhưng nếu chúng ta xác định rõ tiêu chí quốc gia nào an toàn, thời gian duy trì an toàn bao lâu thì có thể tính đến phương án từng bước mở lại du lịch có kiểm soát. Chúng ta phát triển du lịch nội địa vừa mở cửa lại du lịch quốc tế chọn lọc những nước đủ an toàn, đặc biệt là những nước gần Việt Nam thì lúc đó mới đạt được mục tiêu phát triển kinh tế, cùng nỗ lực chống dịch", ông Nhân nói.
Hiện Tổng cục Du lịch đang xây dựng các kịch bản để đón khách quốc tế khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.
Trong buổi làm việc với đại diện ngành du lịch TP.HCM mới đây, ông Nguyễn Trùng Khánh - tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - cho biết nếu dịch bệnh được khống chế ở một số thị trường trọng điểm, tổng cục sẽ xem xét kiến nghị Chính phủ nới lỏng hạn chế, khởi động lại việc quảng bá, xúc tiến thu hút khách quốc tế trên cơ sở bảo đảm các tiêu chuẩn về kiểm soát y tế.
Trong đó, những quốc gia gần Việt Nam như khu vực ASEAN và Ðông - Bắc Á có thể là những thị trường cần tập trung thu hút trước tiên.
Cục Hàng không Việt Nam cũng kiến nghị nối lại các đường bay từ cuối tháng 7 đến những quốc gia, lãnh thổ không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng 30 ngày liên tục. Hiện Việt Nam đã trải qua hơn 60 ngày không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng.
Ông Trần Thế Dũng - phó tổng giám đốc Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ - cũng đề xuất Việt Nam có thể nối lại du lịch quốc tế trên cơ chế cùng các nước có tình hình kiểm soát dịch tương đồng. Xây dựng một "hành lang" công nhận tiêu chuẩn về chứng nhận sức khỏe giữa các quốc gia tham gia trao đổi khách để bảo đảm chỉ có những du khách đủ điều kiện sức khỏe mới có thể tới du lịch Việt Nam và ngược lại.
Doanh thu du lịch lữ hành giảm mạnh Khách du lịch giảm mạnh cũng kéo doanh thu du lịch lữ hành 6 tháng chỉ còn hơn 10.300 tỉ đồng, giảm 53,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 12,4%) do việc tạm dừng tiếp nhận khách du lịch quốc tế để khống chế dịch COVID-19. Ngoài ra, các doanh nghiệp lữ hành còn bị thất thu du lịch hè do tháng 6 học sinh và sinh viên vẫn còn chưa hoàn thành năm học. Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành 6 tháng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước: Khánh Hòa giảm 73,5%; TP.HCM giảm 71,2%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 66,2%; Quảng Ninh giảm 60,8%; Cần Thơ giảm 55,8%; Quảng Bình giảm 52,3%; Thanh Hóa giảm 47,1%; Hà Nội giảm 44,2%; Đà Nẵng giảm 44%; Hải Phòng giảm 28,9%. |
Theo N.Bình/ Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/khach-quoc-te-vao-viet-nam-giam-manh-chi-tang-duoc-khach-campuchia-20200701153447435.htm