BGTV - Bánh chưng không còn xa lại với người dân Việt Nam trong mỗi dịp Tết cổ truyền. Tại mảnh đất Hiệp Hòa - Bắc Giang, đặc sản Bánh chưng Vân những năm gần đây được nhiều người biết đến bởi chất lượng cao, mang đặc trưng của địa phương mà vẫn giữ trọn hương vị dân tộc.
Nguyên liệu làm bánh chưng Vân là gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn ba chỉ, lá chít, các gia vị...Thế nhưng gạo gói bánh là loại nếp cái hoa vàng được gieo cấy trên đồng đất xã Thái Sơn cùng huyện. Đây là loại gạo thơm dẻo có vị đặc trưng riêng.
Lá bánh là loại lá chít do nhân dân tự trồng (những nơi khác thường gói bằng lá dong).
Sau khi cắt bỏ phần ngọn và cuống, lá được rửa sạch bằng nước rồi đem luộc đến khi nước chớm sôi thì vớt ra để lá mềm và giữ nguyên mùi vị. Thịt lợn được tuyển chọn từ những trang trại nuôi lợn sạch trên địa bàn.
Tất cả các khâu làm bánh đều phải kỹ càng, cẩn thận. Ngay khâu luộc cũng cần đúng kỹ thuật và qua hai bước. Đầu tiên đun đến khi nước sôi phải vớt bánh ra. Sau đó cho nước vào luộc tiếp khoảng 5 tiếng nữa là bánh chín đều, dền, dẻo.
Bánh chưng Vân ngon, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nên được nhiều khách hàng đặt mua, không chỉ người dân trong tỉnh mà ở các tỉnh lân cận như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc cũng rất ưa chuộng. Dịp Tết nguyên đán, nhu cầu tăng cao, cơ sở phải làm cả ngày đêm.
Bánh chưng Vân là tên gọi chung của bánh chưng Hiệp Hòa.
Huyện Hiệp Hòa hiện có gần 200 hộ gói bánh chưng thường xuyên, tập trung nhiều ở hai xã Hoàng An và Hoàng Vân. Từ làm bánh, nhiều hộ có cuộc sống sung túc.
Đây là sản phẩm đặc trưng của vùng nên cấp ủy, chính quyền rất quan tâm tới việc khuyến khích người dân gắn bó với nghề, làm tốt công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.
Trong mâm cỗ ngày xuân, thưởng thức những miếng bánh chưng Vân dẻo thơm, hương vị Tết cổ truyền càng trở nên trọn vẹn, như kết tinh truyền thống văn hóa của dân tộc và đặc trưng quê hương, mảnh đất Hiệp Hòa giàu truyền thống./.
Lê An