Trong giới văn chương, Trần Thị Trường đích thị là một người đa tài và tháo vát. Chị trải qua khá nhiều công việc mà việc nào cũng để lại dấu ấn thành công. Thời gian gần đây, Trần Thị Trường quay sang cầm cọ. Chị vừa trình làng triển lãm đầu tiên “Những cảm xúc bằng màu”. Chuyện không ngờ đã xảy ra, tranh bán nhanh đến mức triển lãm phải đóng cửa sớm hơn dự kiến.
Tranh của Trần Thị Trường thoạt nhìn đã biết dễ bán vì chúng mang đến cho người xem cảm giác ấm áp, yên ả, hoài cổ… những cảm giác vốn túng thiếu trong đời sống gấp gáp hôm nay. Chị chủ yếu vẽ tĩnh vật nào bình hoa, chiếc ấm cổ, lọ men ngọc hay đèn dầu, cốc chén… Ngắm tranh của nhà văn “Kẻ mắc chứng điên” nhà thơ, họa sỹ Nguyễn Quang Thiều phải thốt lên: “Người phục sinh linh hồn đồ vật”.
"Chờ xuân" của Trần Thị Trường gợi nhớ câu thơ của Bằng Việt: "Một bếp lửa ấp iu nồng đượm..."
Triển lãm “Những cảm xúc bằng màu” của nhà văn, họa sỹ Trần Thị Trường khai mạc chiều ngày 20 tháng 12, tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Trần Thị Trường trình làng 48 bức, là kết quả lao động nghệ thuật miệt mài của một năm qua.
Triển lãm vừa khai mạc, tranh đã bán vèo vèo. Nhà văn, họa sỹ công khai danh sách những người mua tranh của mình trên trang cá nhân. Trong số những người mua tranh của Trần Thị Trường có cả giọng ca “Hương Ngọc Lan”. Ca sỹ Mỹ Linh không những khen tranh Trần Thị Trường đẹp mà còn mua bức tranh to nhất trong phòng triển lãm. Trần Thị Trường - Mỹ Linh đã quen biết hơn 20 năm, từ khi cả hai còn nghèo khó. Trần Thị Trường từng “vẽ” chân dung Mỹ Linh thật súc tích: “Đẹp-Tài và… Tử tế”.
Tác phẩm thuộc về ca sỹ Mỹ Linh
Bức tranh lọt vào mắt xanh ca sỹ Mỹ Linh chắc chắn là một tác phẩm Trần Thị Trường dồn nhiều tâm sức. Không chỉ vì lần đầu chị vẽ bức tranh lớn về kích cỡ (khổ 80x120cm) mà còn bởi chị vẽ sân nhà mình. Trần Thị Trường đang sống và sáng tạo nghệ thuật trong một ngôi nhà có khoảng sân xanh mát, thơ mộng.
Sân phủ màu xanh trước cửa phòng vẽ của Trần Thị Trường
Là một nhà văn nổi tiếng với nhiều tác phẩm được bạn đọc yêu thích như những tiểu thuyết “Lời cuối cho em”, “Kẻ mắc chứng điên” hay những truyện ngắn “Nô tỳ được trang sức”; “Thời gian ngoảnh mặt”; “Thị Lộ”… nên khi Trần Thị Trường chuyển sang cầm cọ, chị đã có sẵn một lượng khán giả yêu mến mình.
Có những độc giả của Trần Thị Trường đến thăm triển lãm và quyết định mua tranh của chị ngay từ phút đầu tiên được chiêm ngưỡng. Nhiều nhà văn, nhà báo tên tuổi cũng “chấm” tranh của Trần Thị Trường. Tác giả “Mối chúa”, nhà văn Tạ Duy Anh đã rước một “đứa con” trong triển lãm “Những cảm xúc bằng màu” về nhà.
Tranh của Trần Thị Trường đi vào lòng người nhờ sự dung dị, ấm áp
Triển lãm dự định mở cửa trong 10 ngày song nữ nhà văn, họa sỹ đã phải gửi lời xin lỗi tới khán giả và các nhà sưu tập vì “không đợi được để mở cửa cho đủ thời gian mà tác giả đã công bố”. Triển lãm đóng cửa sớm hơn dự định vì tranh đã bán hết trơ mảng tường trắng khiến chủ nhân của chúng lặng người. Còn giám đốc nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, nơi diễn ra “Những cảm xúc bằng màu” của Trần Thị Trường đã tổng kết gây “sốc”: “Kể từ năm 2000 đến nay, đây là hiện tượng đầu tiên của Nhà triển lãm: Công chúng đến thưởng ngoạn đông, người sở hữu/nhà sưu tập đã mua tới 80% số tác phẩm trưng bày. Và 100% là trí thức Việt”.
Mảng tường trống là niềm hạnh phúc, sự khích lệ đối với Trần Thị Trường trong sự nghiệp cầm cọ
Nhiều người ngạc nhiên khi Trần Thị Trường mở triển lãm. Họ không biết chị đã học vẽ từ bao giờ. Nhà văn không phải bỗng dưng biết vẽ. Thực ra, chị cầm cọ còn trước cả khi cầm bút viết văn. Nữ nghệ sỹ đa tài đã từng đỗ vào Đại học Mỹ Thuật công nghiệp khóa 73-78 nhưng chỉ học đến năm thứ hai, vì những lí do riêng tư khiến chị phải bỏ dở việc học hành. Khi Trần Thị Trường trở lại đam mê thuở ban đầu, họa sỹ Hải Kiên, Giảng viên Trường Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đã trực tiếp giúp đỡ chị về nghề.
Dấn thân vào đam mê ở tuổi nào cũng không muộn, nhà văn Trần Thị Trường là minh chứng
Đụng đến đâu, thành công đến đó, là trường hợp của Trần Thị Trường. Chị là nhà văn đầu tiên bước chân vào showbiz, ở vai trò trợ lí của danh ca Ngọc Tân. Sự kết hợp giữa Ngọc Tân- Trần Thị Trường chính là giai đoạn đẹp đẽ cuối cùng trong sự nghiệp của nam danh ca.
Sau này, người ta còn biết đến Trần Thị Trường như cánh tay đắc lực của nhạc sỹ Phó Đức Phương, khi chị giữ cương vị Phó Giám đốc khu vực phía Bắc của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (thuộc Hội Nhạc sỹ Việt Nam), suốt 9 năm.
Và sau một thời gian yên lặng để vẽ, Trần Thị Trường lại khiến người ta ngạc nhiên và ngưỡng mộ khi lập kỷ lục về lượng tranh bán trong triển lãm. Chưa có tổng kết cho biết những năm gần đây họa sỹ nào bán được nhiều tranh nhất trong một cuộc triển lãm, song có lẽ rất ít người làm được như Trần Thị Trường.
Trần Thị Trường và vợ cố danh ca Ngọc Tân tại phòng vẽ của họa sỹ.
Theo Tiền phong
https://www.tienphong.vn/van-hoa/nha-van-ve-tranh-ban-nhanh-den-muc-trien-lam-phai-dong-cua-som-1504137.tpo