Giáng sinh đã đến và niềm vui như đang dần lan tỏa trong không khí với ánh sáng, màu sắc và những tiểu cảnh trang trí bắt mắt. Hãy cùng dạo quanh một vài quốc gia để tìm hiểu về truyền thống ăn mừng Giáng sinh độc đáo của người dân.
Lễ hội đèn lồng khổng lồ (Ligligan Parul Sampernandu) - Ảnh: Arlene Hsu
Lễ hội đèn lồng khổng lồ, Philippines
Lễ hội đèn lồng khổng lồ (Ligligan Parul Sampernandu) được tổ chức hằng năm vào thứ bảy trước đêm Giáng sinh tại thành phố San Fernando - thủ đô Giáng sinh của Philippines, thu hút người tham dự đến từ khắp nơi trên cả nước và cả du khách quốc tế. Lễ hội là nơi 11 ngôi làng tại thành phố cạnh tranh gay gắt để giành quyền thực hiện chiếc đèn lồng đặc sắc nhất, chào đón Giáng sinh.
Ban đầu chiếc đèn lồng có thiết kế đơn giản với đường kính khoảng nửa mét, chất liệu làm từ giấy origami của Nhật Bản và được thắp sáng bằng nến. Trải qua thời gian, những chiếc đèn giờ đây được làm từ nhiều loại vật liệu đa dạng, kích thước lên đến 6 mét và được chiếu sáng bằng các bóng đèn điện lấp lánh trông như một chiếc kính vạn hoa khổng lồ.
Chú dê Gävle, Thuỵ Điển
Ảnh: ABC
Từ năm 1966, vào dịp Mùa Vọng (khoảng thời gian 4 tuần trước Giáng sinh), người Thụy Điển đã dựng lên một chú dê cao 13m tại trung tâm quảng trường lâu đài Gävle. Đây là phiên bản khổng lồ của chú dê Yule - biểu tượng truyền thống trong Giáng sinh của văn hóa Bắc Âu. Theo thông lệ, khi Giáng sinh kết thúc người ta sẽ đốt cháy chú dê. Hình nộm cháy hết được xem như đánh dấu một lễ hội thành công.
Hình nộm cháy hết được xem như đánh dấu một lễ hội thành công - Ảnh: The Local
Ác quỷ Krampus, Áo
Về nguồn gốc, từ Krampus bắt nguồn từ chữ "krampen" trong tiếng Đức, nghĩa là "móng vuốt". Trong văn hóa dân gian của Đức, Krampus là một sinh vật nửa quỷ, nửa dê lang thang trong thị trấn vào đêm 5-12.
Nhân vật quỷ Krampus do người hóa trang sẽ xuất hiện trong mùa lễ hội tại Áo để "dọa" những đứa trẻ hư - Ảnh: Ancient Page
Hình ảnh Thánh Nicholas và quái vật Krampus tồn tại song song như một sự cân bằng giữa thiện và ác trong cuộc sống. Nếu như Thánh Nicholas xuất hiện vào ngày 6-12 để thưởng cho các trẻ em ngoan ngoãn thì đêm trước đó, tương truyền Krampus sẽ bắt những đứa trẻ hư bỏ vào túi, và đem chúng về thế giới dưới lòng đất.
Nhân vật Thánh Nicholas do người hóa trang rảo bước trên phố vào mùa Giáng sinh - Ảnh: Rusmarin
"Bữa tiệc gà rán" ở Nhật Bản
Với quốc gia coi trọng văn hóa truyền thống như Nhật Bản, Giáng sinh không phải là một sự kiện đặc biệt. Hầu hết các hoạt động mừng Giáng sinh đều rất đơn giản như tặng quà hay trưng bày cây thông. Tuy nhiên, trong nhiều năm gần đây, người Nhật Bản lại ăn mừng Giáng sinh với món ăn chính là gà rán KFC thay vì gà tây hay bánh khúc cây.
Hình ảnh của Harland Sanders, ông chủ KFC trong trang phục ông già Noel - Ảnh: Business Insider
Vào mùa lễ hội này, thương hiệu gà rán KFC lại đưa ra nhiều hình ảnh và chương trình quảng cáo bắt mắt, giới thiệu nhiều thực đơn phong phú cho các gia đình thích mừng Giáng sinh theo cách có một không hai.
13 "ông già Noel nghịch ngợm" Yule Lads, Iceland
Ảnh: www.northiceland.is
Tương truyền vào 13 ngày trước Giáng sinh, 13 nhân vật nghịch ngợm sẽ đến thăm các trẻ em trên khắp Iceland. Mỗi nhân vật sẽ xuất hiện vào mỗi đêm, mang theo quà cho trẻ ngoan và khoai tây thối để tặng cho trẻ hư, đặt trong những chiếc giày mà trẻ để sẵn trước cửa sổ.
Ngày Thánh Nicholas, Đức
Thánh Nicholas (áo đỏ, trái) và ông giả Noel (thứ hai từ phải) là hai nhân vật khác nhau - Ảnh: www.nicematin.com
Thánh Nicholas là một nhân vật khác với ông già Noel. Vị thánh này cưỡi trên một chú lừa, xuất hiện vào giữa đêm ngày 6-12 và để lại những món quà nhỏ như tiền xu, kẹo sôcôla, đồ chơi vào giày của những trẻ ngoan trên khắp nước Đức, đặc biệt là tại vùng Bavaria.
Thánh Nicholas cũng đến thăm trẻ em tại trường hoặc ở nhà. Để đổi lấy một món quà nhỏ hay bánh kẹo từ vị thánh này, trẻ sẽ phải đọc thơ, hát hoặc vẽ một bức tranh. Trong ký ức của trẻ nhỏ, Thánh Nicholas đại diện cho sự vui tươi và bình yên, là nhân vật mà trẻ luôn chờ đợi vào mỗi mùa Giáng sinh.
Rủ nhau giấu chổi ở Na Uy
Ảnh: Daily Mail
Một trong những truyền thống Giáng sinh kỳ lạ nhất nằm ở Na Uy, nơi mọi người tìm cách giấu kín những chiếc chổi trong nhà. Tập tục này đến từ câu chuyện được kể từ nhiều thế kỷ trước, rằng phù thủy và những linh hồn ác quỷ sẽ xuất hiện vào đêm Giáng sinh, đi tìm những cây chổi để cưỡi. Điều này khiến người dân Na Uy luôn đặt chổi ở vị trí an toàn nhất trong nhà với niềm tin rằng lũ quỷ sẽ không thể đến lấy.
Rực rỡ với ánh sáng tại Toronto
Ánh sáng ngập tràn Toronto vào mùa lễ hội - Ảnh: Erica Furness
Vào mùa đông nói chung và Giáng sinh nói riêng, thành phố Toronto (Canada) là điểm đến tuyệt vời cho những tâm hồn đi tìm niềm vui trong ánh sáng. Ánh sáng len lỏi đến khắp mọi ngóc ngách ở Toronto, với điểm nhấn là lễ hội thắp đèn cây thông Giáng sinh Cavalcade of Lights, đánh dấu sự khởi đầu chính thức của kỳ nghỉ lễ.
Lễ hội Ánh sáng Cavalcade diễn ra lần đầu tiên vào năm 1967 để mừng Toà thị chính mới xây dựng tại Toronto. Từ chập tối, cây thông Giáng sinh được thắp sáng rực rỡ nhờ hơn 300.000 đèn LED tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra còn có những màn bắn pháo hoa ngoạn mục và tham gia vào các hoạt động trượt băng ngoài trời.
Trượt ván mừng Giáng sinh ở Venezuela
Hình ảnh ông già Noel trượt ván trở nên quen thuộc với người dân Venezuela - Ảnh: www.msn.com
"Trượt ván" và "Giáng sinh" chẳng liên quan gì đến nhau ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trừ thủ đô Caracas (Venezuela). Vào ngày Giáng sinh, người dân thành phố đổ dồn về nhà thờ trên những chiếc ván trượt, và hình ảnh này đã dần trở nên quen thuộc như một truyền thống đặc biệt tại Venezuela, đến mức những con đường sẽ cấm xe hơi chạy vào để thuận tiện cho người trượt ván di chuyển.
Theo Tuổi trẻ
https://dulich.tuoitre.vn/10-phong-tuc-giang-sinh-ky-la-dot-hinh-nom-de-va-giau-choi-201912220519579.htm