Những câu chuyện phiêu lưu, lãng mạn trong phim hoạt hình của Disney luôn được các khán giả yêu mến, bất chấp sự thật rằng tình tiết phim chứa không ít “hạt sạn” lộ liễu đến khó tin.
Bộ phim Mộc Lan của Disney vốn được lấy cảm hứng từ một câu chuyện cổ có thật của Trung Quốc, kể về một người con gái tên Mộc Lan thay cha tòng quân ra trận. Theo nguyên gốc câu chuyện này thì Mộc Lan sớm đã học cách chiến đấu từ khi còn nhỏ đồng thời kế hoạch tòng quân của cô cũng được cả gia đình biết và ủng hộ. Mộc Lan sau đó cũng đã phục vụ trong quân đội 12 năm trời và giành được rất nhiều chiến công. Cho đến tận ngày Mộc Lan khải hoàn trở về, mọi người mới vỡ lẽ ra sự thật khi thấy cô mặc đồ nữ giới. Nghe sơ qua nội dung cốt truyện như thế này thì dĩ nhiên là các khán giả cũng thấy được sự khác biệt so với bộ phim hoạt hình cùng tên của Disney.
Câu chuyện về nàng công chúa Tiana trong bộ phim The Princess and the Frog có bối cảnh ở New Orleans, nước Mỹ vào những năm 1900. Khi ấy, tình trạng phân biệt chủng tộc vẫn đang diễn ra công khai và căng thẳng nên chẳng đời nào một cô gái da màu như Tiana lại tự mở được một nhà hàng riêng. Sau đó, Tiana còn công khai làm đám cưới với Naveen trong khi hôn nhân khác màu da là trái với pháp luật lúc bấy giờ.
Dù Disney luôn rất quan tâm chăm chút cho bối cảnh, phục trang nhưng chẳng hiểu sao nàng công chúa Jasmine trong phim Aladdin lại có thể ăn mặc thoải mái được như vậy. Do thời gian của câu chuyện rơi vào khoảng từ thế kỉ 4 đến thế kỉ 7 nên các cô gái Ả Rập, ngay cả với một nàng công chúa như Jasmine, cũng chỉ có thể ăn mặc kín đáo, đeo thêm một chiếc mạng che mặt và chỉ được để lộ ra cặp mắt xinh đẹp mà thôi.
Nghe có vẻ khá cổ hủ nhưng mơ ước thay đổi số phận để được sống trong một toà lâu đài xa hoa của Aladdin ở đầu phim cũng bị đánh giá là khá vô lý. Kiểu suy nghĩ hiện đại này thực chất chỉ có thể xuất hiện từ khoảng thế kỉ 19 còn trước đó, một người sinh ra trong nghèo khổ sẽ khó mà có thể hình dung được một cuộc sống nào khác.
Vấn đề logic dường như cũng đã bị bộ phim Dinosaur lãng quên hoàn toàn. Đầu tiên là loài vượn cáo sẽ chỉ xuất hiện sau kỷ nguyên khủng long vài triệu năm. Và thứ hai là, một con vượn cáo lại có đủ sức lực để nâng được một chú khủng long con? Dĩ nhiên, phim chỉ là phim nên các khán giả cũng sẽ cố gắng để không quá khắt khe đánh giá về khía cạnh logic khoa học.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/giai-tri/nhung-hat-san-lo-lieu-tren-phim-nhung-lai-duoc-khan-gia-yeu-thich-20191211190941746.htm