Sau những cuộc hẹn hò lãng mạn: Hãy đi cùng em nơi rừng Tơrlang/ Hái măng rừng Tơrlao… những cô gái Cơ Ho, Chu Ru đến tuổi cập kê trên miền đất huyền ảo Nam Tây Nguyên sẽ trao chiếc kòng tê (vòng đồng) hẹn ước cho chàng trai mà cô đã ưng bụng.
Tái hiện lễ cưới truyền thống của người Cơ Ho tại thôn Đưng K'si, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng).
Khi mùa màng thu hoạch xong, các cô gái sẽ đề đạt chuyện “bắt chồng” với cha mẹ và cậu, để soạn lễ đi “xin cái xà-gạt” về cho con gái. Hiện nay, những tục lệ truyền thống tốt đẹp vẫn được gìn giữ và tái hiện ở một số buôn, làng văn hóa, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm của khách du lịch.
Quanh chuyện tục “bắt chồng” (kup bao), tôi đã nghe nhiều dị bản. Trong chiều nắng lạnh Nam Tây Nguyên, qua những cánh rừng nguyên sinh dưới chân dãy Bidoup bồng bềnh mây trắng, tôi đến buôn làng Đưng K’si, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). Nghe đâu, tại đây tổ chức lễ cưới cho cậu trai Sắk Kly và sơn nữ K’Năm. Ngoài sân nhà truyền thống, già làng Bon Tô Sa Nga, chủ lễ, đang bận rộn đón khách. “Cưới diễn thôi”- già Sa Nga mở lời. “Sao vậy ?” - tôi ngạc nhiên hỏi lại. Già Sa Nga tiếp lời: “Đây là nghi lễ cưới hỏi truyền thống của đồng bào Cơ Ho Cil, lần đầu tiên được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng phối hợp huyện Lạc Dương phục dựng”.
Giữa sân nhà truyền thống của buôn làng, cây nêu linh thiêng được dựng lên, bếp lửa đã sẵn sàng để mời gọi du khách, bà con buôn làng vào không gian lễ cưới truyền thống. Tôi nhìn quanh, rất nhiều du khách nước ngoài tỏ ra ngạc nhiên, thích thú. Trong nhà truyền thống tại buôn làng Đưng K’si, dù đã qua mấy chục mùa rẫy, “cái rìu đã bọc với da”, nhưng Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Cil Poh vẫn bồi hồi khi dự lễ “tơm bau” (cưới xin). Bởi, khi còn là chàng trai “có giá” trong buôn, ông đã từng được rủ “đi hái rau krồng bên núi Tơrlàng” và đưa tay đón nhận chiếc vòng cầu hôn. Ông Cil Poh cho biết: “Người Cơ Ho mình theo chế độ mẫu hệ, sơn nữ “bắt chồng”, đàn ông thường sống bên nhà vợ. Tự do về hôn nhân, cho nên khi cô gái thích chàng trai nào đó thì chủ động nói với cha mẹ nhờ người mai mối có tài ăn nói, cùng với ông cậu đến nhà chàng trai ngỏ ý. Có khi phải nhiều lần thuyết phục mới được…”.
Già làng Bon Tô Sa Nga kể thêm: “Mỗi lần như vậy như một cuộc đấu trí, qua tiếp chuyện, nói lối giữa hai gia đình, khi nhà trai đã ưng bụng thì việc làm lễ ra mắt, dạm hỏi, lễ nhấc chân (pồ jơng) và sắm lễ vật đám cưới đều do nhà gái lo liệu”.
Không gian bập bùng trong tiếng cồng, tiếng chiêng lan xa lên tận đỉnh núi. Điệu kèn m’buốt, câu lảh lông giao duyên tình tự, gọi mời: Tôi đi tìm bông hoa prăc/ Tôi đi hái bông hoa krài/ Tôi đi tìm bông hoa giữa đồng…
Bà K’Brang, người hát dân ca Cơ Ho nổi tiếng khắp vùng này cho biết: “Xưa, bên bếp lửa trước nhà sàn dài, hoặc những hôm lên rẫy, đi hái rau rừng, sau những lời lảh lông thắm thiết, những chàng trai, cô gái đã ưng bụng nhau, không ngại ngần trao vòng thề hẹn. Lảh lông là lời nói êm ái, tình tứ; thường để trai gái trao lời hẹn ước”. Luật tục Cơ Ho có câu rằng: Làm bẫy phải hỏi thần núi/ Ăn rừng phải hỏi bon (buôn) làng/ Tìm vợ, tìm chồng phải hỏi mẹ cha. Trước khi muốn lấy chồng, tìm vợ phải nhờ đến các vị già làng, trưởng dòng họ, là những người có uy tín và trách nhiệm của buôn làng.
Mặt trời đã ngả về phía núi xa. Lễ chạm ngõ bắt đầu. Cha mẹ, cậu và người mai mối cùng con gái muốn bắt chồng kéo sang nhà trai. Lễ vật gồm nhòng kẹ (sợi cườm), kòng tê (vòng đồng), nếu nhà gái khá giả có thể trao vòng bạc; crộ (tô)…
Khi gần đến nhà trai, nhà gái thường ngân nga những câu bóng gió, tạm dịch: Tôi đi ngắm ngọn Lang Biang nho nhỏ/ Tôi đi ngắm ngọn Lang Biang trai tơ; hay Tôi đi tìm cái cuốc để giãy cỏ rẫy/ Tôi đi tìm kiếm cái chài bắt cá/ Tôi đi tìm kiếm cái xà-gạt để phát rẫy…
Sau khi đón nhà gái vào nhà, bố chàng trai mở lời với ông cậu, hoặc người mai mối: “Ông đến đây có việc gì?”. Ông cậu cô gái trả lời: “Tôi đi xin cái xà-gạt cho cháu gái”. Bên nhà trai lại tiếp: “Cái xà-gạt đó làm ra cũng hơn 20 năm rồi, cháu nó cần thì cứ lấy về. Nhưng mà chúng tôi làm ra cái xà-gạc đó cũng tốn nhiều tiền của lắm, muốn lấy về thì già phải trả cho gia đình cái gì đó tương xứng”. Cứ như thế, cuộc thương lượng bắt đầu rất ý nhị và văn hóa. Nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên Đặng Trọng Hộ cho biết: “Những cuộc chạm ngõ là cuộc trò chuyện trao đổi, nhưng ở nhiều đám còn diễn ra hát đối đáp ý nhị giữa hai họ, cốt là để nhà trai đồng ý cho nhà gái “bắt chồng”. Nếu lễ vật nhà trai đưa ra vượt quá khả năng của nhà gái, thì xin khất nợ và khi nào có điều kiện thì trả”.
Theo già làng Sa Nga, lễ hỏi diễn ra ở nhà trai và thường tổ chức vào chiều tối, ban đêm, vì nhà gái muốn tránh tiếng, nếu chẳng may việc “bắt chồng” không thành. Sau khi cuộc “đối đáp”, “thương lượng” hoàn thành, “chiêng ché đã trao”, hai bên đã nhất trí cho đôi trẻ đến với nhau, lễ cưới được định ngày. Trong đám hỏi của người Cơ Ho, vai trò của người mai mối quyết định sự thành bại của hôn nhân. Khi chàng trai đã chấp nhận chiếc vòng cầu hôn và gia đình bên nhà trai đồng ý, coi như đám hỏi thành công.
Trước ngày diễn ra lễ cưới như đã định, người Cơ Ho thường tổ chức lễ nhấc chân (pồ jơng), đưa chú rể đến nhà gái. Tại đây, gia đình mời thầy cúng hoặc già làng làm lễ cầu thần linh (Yàng) phù hộ cho đôi trai gái. Lúc này, họ hàng bên trai ấn định của hồi môn cho con trai, thường là chiêng, ché, trâu, bò…
Nhưng vì sự tôn kính bố mẹ, người con trai phải từ chối, chỉ được mang theo về bên nhà vợ những thứ thiết yếu. Tiếp đến, người làm mai, hoặc già làng trao cần cho cô dâu, chú rể cùng uống rượu và tiệc vui bắt đầu. Sau khi khách ra về, gia đình hai bên thống nhất ngày giờ rước rể. Đến ngày đã định, chú rể cùng với gia đình, bạn bè và người mai mối kéo đến nhà gái dự lễ rước rể. Nhà gái mời nhà trai uống rượu và hát xướng. Sau đó nhà trai đi vào nhà gái, mẹ chồng cầm tay cô dâu, người cha cầm tay chú rể. Nghi lễ cúng Yàng được tổ chức nhằm cầu chúc đôi vợ chồng trẻ trăm năm hạnh phúc. Sau lễ này, đôi trai gái chính thức bước vào đời sống vợ chồng...
Mê mải tìm hiểu từ những già làng Cơ Ho, mãi đến khi bài chiêng chào mừng quý khách vang lên, tôi mới trở lại dõi theo đám cưới của Sắk Kly và sơn nữ K’Năm. Sau thủ tục của hai gia đình, lễ vật thách cưới đã thống nhất, đôi trai gái đeo kòng tê cho nhau và cùng uống rượu cần trước sự chứng kiến của hai gia đình, buôn làng…
Điệu yal yau dặn dò của mẹ, bà ngoại chàng trai tỉ tê, tâm sự, đại ý nhắc nhở đôi trẻ phải yêu thương bền chặt, giữ gìn hạnh phúc gia đình: Cha mẹ cho phép hai con được ưng nhau, lấy nhau/ Phải nhớ giữ nhau, thương nhau/ Nuôi vợ con, lo cho bố mẹ vợ, anh em trong gia đình/ Đói nghèo hai vợ chồng làm nương, làm rẫy, nuôi thân mình, nuôi bố mẹ vợ/ Chăm cho con từ tóc đen đến tóc trắng/ Không được bỏ nhau/ Con nhớ lời cha mẹ, cậu dặn/ Nhớ lấy đừng quên con nhé. Tiếng chiêng cồng và tiếng kèn giao hòa, ngân nga, trầm bổng; những câu hát giao duyên tình tứ cất lên trong men say đại ngàn, kéo dài thâu đêm suốt sáng…
Trong cuốn Miền đất huyền ảo, nhà dân tộc học người Pháp Dam Bo (tức Jacques Dournes cho rằng: “Nói chung, người Tây Nguyên lấy nhau trong tộc người của mình, thông thường ngay trong làng mình. Nhưng cũng có khi họ đi tìm vợ ở một tộc người bên cạnh, ở lại luôn phía vợ hay đưa vợ về làng mình, tùy theo tập tục của chế độ mẫu hệ…
Các cuộc hôn nhân giữa những người khác tộc đó, tuân theo sự gần gũi nhau vốn có giữa tộc người này và tộc người nọ”. Theo già Krajan Plin, nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên, luật tục người Cơ Ho cấm quan hệ hôn nhân giữa những người bà con cùng họ trong cùng một địa phương; giữa con chú, con bác và con dì hoặc ngoại tình, nếu vi phạm sẽ bị buôn làng xử phạt nặng. Việc ly hôn trong cộng đồng người Cơ Ho rất ít xảy ra. Nếu có, thì người có ý ly hôn phải chịu phạt và phải được chủ làng (kuăng bon) chấp thuận.
Chia tay đám cưới của người Cơ Ho trong tiếng chiêng huyền thoại, với chiếc vòng cầu hôn linh thiêng, tôi tìm về miền có điệu Tamya mời gọi và chiếc srí (nhẫn bạc) màu nhiệm, kết nối uyên ương, ở huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Cơ bản tục bắt chồng của người Chu Ru cũng giống người Cơ Ho, chỉ khác là nam nữ được trùm khăn và trao nhau đôi nhẫn bạc trong lễ đính ước. Tôi đã từng thâu đêm với già làng Ya Tuân, ở buôn Krăng Gọ, xã Pró, huyện Đơn Dương, người còn lưu giữ đầy đủ phong tục cưới xin của đồng bào Chu Ru. Già kể: “Ngày xưa, chàng trai nhà nào được mắt, nhà gái sẽ âm thầm chuẩn bị lễ vật và chọn một buổi tối nào đó sang thương lượng để bắt chồng cho con”. Lễ vật trong đám hỏi của người Chu Ru không thể thiếu vật thiêng srí. Theo quan niệm của người Chu Ru, khi trai gái đã trao srí cho nhau, có nghĩa là trao “sự kết nối” trọn đời. Thông thường, sau đám hỏi, cô dâu về nhà chú rể sống khoảng bảy, tám ngày để làm việc giúp gia đình chồng. Sau đó, nhà gái sẽ biện mâm lễ mang sang nhà trai để dắt con gái và xin con rể về. “Tục cưới xin ngày xưa đẹp lắm. Cái quý nằm ở tình cảm, lòng tin thôi mà”, già Ya Tuân cho hay.
Tục “bắt chồng” hiện vẫn phổ biến ở các buôn làng Nam Tây Nguyên trong đời sống lứa đôi, do đồng bào Chu Ru, Cơ Ho, Mnông… vẫn giữ chế độ mẫu hệ. Điều cốt lõi trong chuyện đi tìm “vòng tay cầu hôn” vẫn là tự do yêu đương, lễ dạm hỏi, lễ cưới và chàng trai về sống bên nhà vợ. Trường hợp đặc biệt, cô dâu vẫn có thể cư trú bên nhà chồng. Nhưng con cái vẫn mang họ mẹ . Già K’Plin cho biết: “Cũng giống như người Chu Ru, tục bắt chồng, thách cưới của người Cơ Ho ngày xưa rất ý nghĩa và nhân văn. Thách cưới là để đôi bạn trẻ và hai gia đình có trách nhiệm, không phải sự ngã giá. Thách cưới càng cao thì của hồi môn gửi lại cho con cũng tương xứng”.
Ngày nay, làn gió mới trong đời sống văn hóa đã ùa về trên những cung đường buôn làng, những tập tục không còn phù hợp đã dần được xóa bỏ. “Cùng với nghi lễ tơm bau, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp phục dựng, gìn giữ và phát huy giá trị những tục lệ truyền thống tốt đẹp trên cao nguyên Lang Biang. Có thể tái hiện những nghi thức này tại một số khu du lịch; qua đó, tạo thêm sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho bà con dân tộc bản địa”, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Cil Poh, cho biết.
Chia tay những buôn làng Cơ Ho, Chu Ru trong chiều trôi rất khẽ. Điệu sáo Em gọi anh vẫn thiết tha, mời gọi và mùa đi tìm vòng tay cầu hôn đang đến gần./.
Theo Mai Văn Bảo/Nhân dân
https://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/42332502-mua-di-tim-vong-tay-cau-hon.html