Yếu tố cần ưu tiên hàng đầu trong tiêu chí chọn mẫu trang phục dân tộc Việt là văn hóa truyền thống chứ không phải đơn thuần là sự độc, lạ, phá cách.
Sau những dấu ấn của Nàng Mây 2016, Hồn Việt 2017, Bánh mì 2018. Cuộc thi “Tuyển chọn trang phục dân tộc cho đại diện Việt Nam tại Miss Universe” chính thức quay trở lại với nhiều đổi mới, nhiều thay đổi về tiêu chí, format. Nhưng xem ra để có một tiêu chí cho trang phục Việt mang đi thi nhan sắc ở đấu trường quốc tế vẫn còn mông lung.
Chủ đề cuộc thi thiết kế trang phục dân tộc năm nay là Tinh hoa Việt Nam, Ban Tổ chức mong muốn, các thí sinh sẽ khai thác bề dày văn hóa lịch sử lâu đời, cùng 54 dân tộc anh em để sáng tạo trang phục dân tộc đặc sắc, thể hiện tinh thần, vẻ đẹp Việt Nam thời đại mới, tiếp nối thành công của Nàng Mây (Lệ Hằng trình diễn tại Miss Universe 2016), Hồn Việt (Nguyễn Thị Loan trình diễn tại Miss Universe 2017), Bánh Mì (H’Hen Niê trình diễn tại Miss Universe 2018), góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Trang phục Bánh Mì (H’Hen Niê trình diễn tại Miss Universe 2018).
Trang phục Nàng Mây (Lệ Hằng trình diễn tại Miss Universe 2016).
Cuộc thi “Tuyển chọn trang phục dân tộc cho đại diện Việt Nam tại Miss Universe 2019” nhận ý tưởng và bản vẽ từ ngày 02/05/2019 đến ngày 15/06/2019, gồm 3 vòng: Lên ý tưởng, trình bày ý tưởng và thực hiện ý tưởng, hiện đã đi vào giai đoạn nước rút, mẫu thiết kế được đánh giá cao nhất sẽ được lựa chọn cho đại diện Việt Nam Á hậu Hoàng Thùy, “chinh chiến” tại Miss Universe2019.
Đỉnh điểm của việc xét tiêu chí này là cuộc tranh cãi lôi theo cả truyền thông và mạng xã hội với nhiều ý kiến trái chiều nhau khi cuộc thi công bố mẫu thiết kế Bàn thờ của Phạm Quang Minh.
Và cũng từ cảm hứng Bánh mì năm 2018 cho H’hen Nie mà trong cuộc thi mẫu thiết kế năm 2019 nhiều ý tưởng ẩm thực truyền thống Việt theo đà phát triển. Ngoài ra còn có những ý tưởng hoặc theo chủ nghĩa bình dân, hoặc theo xu hướng xa hoa lộng lẫy, khá đa sắc đa dạng, chưa kể ý tưởng lấy từ các câu chuyện cổ tích thần thoại Việt Nam cũng được thể hiện.
Cảm hứng văn hóa Việt khá phong phú và đậm nét
Có thể nói, kể từ khi cuộc thi “Tuyển chọn trang phục dân tộc cho đại diện Việt Nam tại Miss Universe” được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2016, trang phục dân tộc của thí sinh Việt Nam ngày càng độc đáo, ghi dấu ấn đậm nét với bạn bè quốc tế. Cụ thể, bên cạnh yếu tố về thẩm mỹ, ban tổ chức còn đề cao tác phẩm dự thi về mặt độc đáo, sáng tạo, tính trình diễn trên sân khấu và câu chuyện truyền tải đằng sau bộ trang phục.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, cuộc thi năm nay thu hút đông đảo thí sinh tham gia hơn so với những mùa giải trước, nhiều bài thi thể hiện sự sáng tạo, độc đáo, tôn vinh nét đẹp văn hóa Việt Nam. Các thí sinh đã biết rút kinh nghiệm và chắt lọc ý tưởng từ hai mùa thi trước, vì thế chất lượng bài dự thi cũng tốt hơn, một thí sinh nộp nhiều bài thi có đầu tư về ý tưởng, khiến cuộc thi trở nên gay cấn và có tính cạnh tranh cao.
Ban giám khảo đánh giá, điểm chung của các thí sinh tham gia cuộc thi năm nay là sự trẻ trung, nhiều thí sinh còn đang học phổ thông. Nếu như năm ngoái, các thí sinh nam chiếm phần lớn thì năm nay, số lượng thí sinh nữ tham gia không hề thua kém, nổi trội về mặt ý tưởng và thiết kế. Chính vì vậy, việc lựa chọn tác phẩm xuất sắc nhất cho đại diện Việt Nam dự thi Miss Universe2019 là lựa chọn không hề dễ dàng.
Nhìn chung, các thí sinh đã tập trung khai thác yếu tố văn hóa truyền thống, nét đặc trưng trong đời sống hàng ngày của Việt Nam, lấy đó làm cảm hứng sáng tạo như Gióng của Trương Kiều Vi, Sơn Tinh Thủy Tinh, Cô Ba cổ tích của Lương Đức Minh, Chọi trâu của Nguyễn Đăng Tùng, Ca trù của Cao Văn Tường, Ngọc ngà Đông Dương của Lương Đức Minh, Thượng ngàn thánh mẫu của Đinh Ngọc Bình, Cửu Long Giang của Nguyễn Anh Khương,
Xe xích lô của Nguyễn Quốc Việt, Café phin của Trần Nguyễn Minh Đức, Xe máy của Đinh Quốc Tuấn, Cánh gió của Phạm Đăng Quang, Trần Huỳnh Đức, , Quốc sắc mẫu nghi của Nguyễn Văn Toàn, Ngọc ngà sắc Việt của Nguyễn Thị Yến Nhi, Nàng Hill của Nguyễn Nam Thanh, Niềm tin chiến thắng của Nguyễn Phạm Thành Lễ...
Ngọc ngà sắc Việt của Nguyễn Thị Yến Nhi là lăng kính thu nhỏ vẻ đẹp Việt Nam trên mọi miền tổ quốc, từ nét cổ kính bình dị qua khung dệt vải, ruộng bậc thang, chùa một cột đặc trưng của miền Bắc, đến sự hiện đại, sôi động, kiêu sa của miền Nam với những tòa nhà cao tầng như Landmark 81, Bitexco Financial Tower, chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà. Chỉ gói gọn trên một bản vẽ nhưng tất cả những nét đẹp Việt đều được thể hiện khéo léo và tỉ mỉ.
Từ câu chuyện truyền thuyết Thánh Gióng quen thuộc của người dân Việt Nam, Trương Kiều Vi đã tái hiện Gióng với hình ảnh tre làm nòng cốt, phối giữa màu xanh và vàng.Vẻ đẹp nữ quyền thể hiện rõ qua phần lưng có hai con ngựa trời khổng lồ, cùng chiếc gậy tre và phần váy choàng bằng tre. “Đâu chỉ có đàn ông mới trở thành anh hùng cứu nước, phụ nữ cũng có thể!” là thông điệp mà Kiều Vi muốn gửi gắm qua bài thi này.
Chọn trang phục áo dài Nhật Bình được sử dụng cho bậc phi tần xưa làm cảm hứng chủ đạo, Quốc sắc mẫu nghi của Nguyễn Văn Toàn mang vẻ đẹp phá cách, thể hiện vẻ uy quyền của bậc mẫu nghi thiên hạ nhưng vẫn mang hơi thở hiện đại, phóng khoáng. Chất liệu dân tộc quen thuộc như nón quai thao, áo dài… cũng góp phần cho mẫu thiết kế thêm nổi bật.
Lấy ý tưởng từ lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng, một trong những lễ hội truyền thống lâu đời ở Việt Nam, mẫu Chọi trâu của Nguyễn Đăng Tùng mang đậm yếu tố tín ngưỡng dân gian, gây ấn tượng khi thể hiện cách điệu chiếc đầu trâu đặt ở phần ngực, kết hợp đôi bốt cổ cao và tóc búi tròn với màu chủ đạo là đỏ vàng, màu cờ Việt Nam.
Lấy cảm hứng từ loại phương tiện di chuyển truyền thống Việt Nam, Xe xích lô của Nguyễn Quốc Việt gợi lên hình ảnh một Việt Nam xưa cũ giữa những phát triển ngày càng hiện đại của cuộc sống.Xích lô, ngày nay là phương tiện được nhiều khách du lịch yêu thích trong chuyến “city tour”, ngồi trên xe có thể nhìn ngắm đường phố đúng chất Việt Nam nhất. Qua mẫu thiết kế này Nguyễn Quốc Việt còn khéo léo khoe vẻ đẹp hình thể của đại diện Việt Nam, tạo điểm nhấn và sự độc đáo khi đặt bên cạnh các trang phục dân tộc khác nếu có cơ hội đến với Miss Universe 2019.
Tiêu chí nào không ngăn cản sáng tạo?
Đỉnh điểm của việc xét tiêu chí này là cuộc tranh cãi lôi theo cả truyền thông và mạng xã hội với nhiều ý kiến trái chiều nhau khi cuộc thi công bố mẫu thiết kế Bàn thờ của Phạm Quang Minh.
Ban Tổ chức cho biết, ý tưởng là sự tư duy, sáng tạo của tác giả và Ban Tổ chức tôn trọng điều đó. Theo quy định, Ban Tổ chức sẽ chọn ra 10 bài dự thi xuất sắc nhất, cùng 5 bài thi do khán giả bình chọn. Nếu được nhiều khán giả bình chọn, Bàn thờ có mặt trong top 15 là điều hết sức bình thường.
Điều e ngại, dù có nhiều ý kiến trái chiều nhưng Bàn thờ nhận được khá nhiều lượt bình luận, “like”, “share” trên các diễn đàn. Điều này đồng nghĩa rằng cơ hội đi tiếp vào vào trong rất cao. Nếu Bàn thờ giành chiến thắng, liệu đại diện nhan sắc Việt có đủ tự tin mặc trang phục mà gương mặt mình được đặt luôn trong tấm ảnh thờ, sải bước trên đấu trường nhan sắc lớn hàng đầu thế giới Miss Universe?
Cần ủng hộ tư duy sáng tạo, đổi mới để hội nhập của những nhà thiết kế trẻ. Tuy nhiên, yếu tố cần ưu tiên hàng đầu là văn hóa, truyền thống chứ không phải đơn thuần là sự độc, lạ, phá cách. Đó cũng là tiêu chí của cuộc thi “Tuyển chọn trang phục dân tộc cho đại diện Việt Nam tại Miss Universe 2019”.
Qua các tác phẩm lựa chọn vòng cuối của cuộc thi, có thể thấy rằng, về phương diện ý tưởng, các thí sinh đã khai thác tốt các yếu tố văn hóa, truyền thống Việt. Tuy nhiên, một số tác phẩm có ý tưởng mới lạ, độc đáo nhưng khi phác thảo lên mẫu thiết kế bố cục không hợp lý, thiếu sự tinh tế, không tạo được ấn tượng.
Câu hỏi đặt ra không chỉ cho cuộc thi Miss Universe 2019 mà còn là nhiều cuộc thi nhan sắc quốc tế khác có đại diện Việt Mam tham dự, một bộ trang phục mang săc thái dân tộc cần những yếu tố gì?
Trong cuộc thi Miss Universe 2019 Á hậu Hoàng Thùy, người sẽ là người trực tiếp mặc bộ trang phục Việt dư thi, chia sẻ: “Thùy hy vọng bộ trang phục chiến thắng sẽ hội tụ các yếu tố về thẩm mỹ, độc đáo, sáng tạo nhưng phải thể hiện được văn hóa, bản sắc dân tộc Việt Nam. Ngoài ra, Thùy có lợi thế về trình diễn nên Thùy mong sẽ thể hiện được kỹ năng này trên sân khấu, để khán giả khi nhìn thấy Việt Nam xuất hiện phải ngạc nhiên”.
Ngay từ khi tìm chất liệu để xây dựng ý tưởng, nhà thiết kế cần phải lựa chọn những nét văn hóa, truyền thống đặc trưng đã được nhiều người biết đến. Đồng thời, bộ trang phục đó phải đẹp, tinh tế, gây ấn tượng mạnh với khán giả, thuận tiện cho người biểu diễn.
Nếu như trước đây, nhan sắc Việt thường lựa chọn áo dài cho phần thi trang phục truyền thống tại những cuộc thi nhan sắc quốc tế thì thời gian gần đây, trang phục cho phần thi này đa dạng và ấn tượng hơn. Tuy nhiên, cũng phải nhận thức rằng, nhan sắc Việt và những bộ trang phục Việt khi bước ra thế giới chính là hiện thân của văn hóa, cầu nối để đưa văn hóa Việt đến gần hơn với công chúng quốc tế.
Và những thiết kế mẫu theo kiểu Bàn thờ cũng rất khó chấp nhận cho dù độc, lạ, bởi nó liên quan đến “mỹ tục” trong văn hóa tâm linh truyền thống của người Việt. Chính vì vậy, yếu tố cần ưu tiên hàng đầu trong tiêu chí chọn mẫu trang phục dân tộc Việt là văn hóa truyền thống chứ không phải đơn thuần là sự độc, lạ, phá cách./.
Theo CTV Hoài Hương/VOV.VN