“Em cảm ơn thầy đã hiểu hoàn cảnh của em và hứa giúp đỡ, nhưng thưa thầy, để đến được Mỹ, em đã đánh cược chính mạng sống của mình. Suýt chút nữa em đã mất mạng trên biển. Em không nghĩ sự liều lĩnh đó chỉ đáng để đổi lại việc đứng dây chuyền làm thịt gà tây” - Trương Nguyện Thành đã nói như vậy với thầy hiệu trưởng trung học của mình khi ông giới thiệu cho Trương Nguyện Thành đi làm hãng thịt gà tây thay vì vào đại học.
Giáo sư Trương Nguyện Thành và nhà báo Lê Thanh Phong. Ảnh NVCC
Đọc cuốn sách “Cha voi” của GS.TS Trương Nguyện Thành, người nổi tiếng với biệt danh “Giáo sư quần đùi”, tôi quá bất ngờ về nhiều chuyện hấp dẫn, thú vị và bổ ích, cho nên nghiền cuốn sách hơn 300 trang đến hết khi nào không hay.
Cuốn sách với nhan đề rất lạ - “Cha voi”, và đây là một trường phái dạy con mang tên Trương Nguyện Thành, tôi thật sự xúc động và biết ơn vì GS.TS Trương Nguyện Thành đã dành thời gian cho một cuốn sách “Dạy con nên người ở thời đại số” đầy chất liệu thực tế và khoa học, sẽ có ích cho các bậc làm cha làm mẹ ngày nay.
GS.TS Trương Nguyện Thành là nhà khoa học, là nhà giáo làm việc trong ngành giáo dục nhiều năm, cho nên cuốn sách của ông rất khoa học.
Đọc gần 100 danh mục tài liệu tham khảo, tôi phát hoảng vì ông đã công phu tìm kiếm thông tin liên quan đến tâm lý giáo dục, để không chủ quan về cảm xúc cá nhân trong quan điểm dạy con, và để cung cấp cho người đọc kinh nghiệm dạy con khách quan, có cơ sở khoa học.
Với cách viết giản dị, dễ đọc, ngắn gọn, Trương Nguyện Thành kể chuyện đời mình như những bài học, những “case study” quá độc đáo và hữu ích.
Từng hợp tác với nhau một vài công việc, có những lúc trà dư tửu hậu, nhưng chưa bao giờ tôi được nghe ông kể về những giai đoạn khốn khó trong đời, từ nhỏ cho đến khi sang Mỹ. Có những chuyện ông gặp phải, như năm 19 tuổi, lang thang trong trại tị nạn Laem Sing ở Thái Lan với đứa em trai, không người thân, không tiền bạc, đọc muốn rơi nước mắt.
Cả cuộc đời Trương Nguyện Thành là cả một cuộc leo núi cao hoặc vượt biển cả, lúc nào cũng phải nỗ lực hết mình, và thường là trong thế cô độc. Nhưng ông đã thành công, đã thành danh, chỉ cần đọc những mẫu chuyện như tự truyện của ông thôi cũng đã có lắm bửu bối để dạy con nên người.
Trương Nguyện Thành chia sẻ thực lòng hoàn cảnh gia đình của mình, ly thân rồi ly dị, có hai con trai, đứa đầu là Taki bị chứng tự kỷ. Vợ người Nhật, chồng Việt Nam, sống trên đất Mỹ, hoàn cảnh đó đặt ra cho ông một thách thức dạy con trong môi trường “đa văn hóa”. Và ông đã dành cả cuộc đời mình, cho đến nay, chỉ để dạy con, và theo tôi đây là thành công lớn nhất của ông. Tất nhiên, những việc ông đạt được trong cuộc đời đã có nhiều người biết đến.
Có một đứa con trai bị bệnh tự kỷ, không than thân trách phận, mà dành hết tâm trí để dạy con và đó cũng là quá trình để phát hiện ra chính mình, tìm thấy được tình yêu đối với con lớn lao như thế nào, cho nên với Trương Nguyện Thành, Taki, đứa con bị tự kỷ của ông là “món quà trời ban”.
Là nhà khoa học, cho nên văn của ông mạch lạc, kiệm lời. Cuối mỗi đoạn có một tóm tắt, đúc kết, rút kinh nghiệm. Chỉ cần đọc những Box đó cũng đủ để đúc kết thành cẩm nang cho việc dạy con. Ví dụ như : “Muốn dạy con kiểm soát cảm xúc, cha mẹ có khả năng kiểm soát cảm xúc của mình trước”.
Đọc sách viết về dạy con, nhưng không chỉ thế, người lớn cũng có khối điều để học từ cuốn sách này. Như chuyện Trương Nguyện Thành kể lại hai chuyến đi xe đạp với con trai, một chuyến ở ĐBSCL, một chuyến xuyên Việt, qua đó thấy ông dạy con quá hay, và giật mình thấy mình cũng đang học từ những câu chuyện đó.
Hay như Trương Nguyện Thành cho hai con Taki và Takara chơi facebook khi đã 16 – 17 tuổi, và đưa ra nguyên tắc chữ THINK:
T – True? - Điều đó có đúng sự thật không?
H – Helpful? – Thông tin đó có ích không?
I – Inspiring? – Điều đó có truyền cảm hứng tích cực không?
N – Necessary? – Điều đó có cần thiết không?
K – Kind? – Điều đó có tử tế không?
“Nếu có một câu trả lời “không” cho một trong những câu hỏi trên thì con không nên đăng thông tin đó”. Bài học này đâu phải chỉ Cha voi dạy cho voi con?
Theo Lê Thanh Phong/Lao động