Trước khi giành giải Cống hiến Nghệ sĩ mới của năm, Bùi Lan Hương đã thuyết phục trọn vẹn giới chuyên môn với album tự sáng tác và hát theo dòng dream-pop mới lạ mà vẫn dễ nghe. Tốt nghiệp ĐH về opera trong nước, Hương tiếp tục du học ngành jazz tại Singapore. Con đường tầm sư học nhạc của cô khá ly kỳ…
Bùi Lan Hương trong khoảnh khắc nhận giải Nghệ sĩ mới của năm tại Cống hiến 2019. ảnh: TTVH
Ðưa dream-pop về Việt Nam
Hát opera, nhạc âm hưởng dân ca chẳng kém ai, nhưng Bùi Lan Hương vẫn cảm thấy đó chưa phải thứ âm nhạc mình muốn. Hương tìm nghe đủ loại từ nhạc tiền chiến tới Anh Mỹ và tâm đắc với Coldplay, đặc biệt là Lana Del Rey. Cô mày mò tận dụng giọng ngực để hát và tìm được vị trí âm thanh đúng là mình.
Nếu cần, cô có thể quay lại hát dân ca. Nhưng khá thú vị là tất cả những khách hàng, sự kiện muốn có Bùi Lan Hương chỉ thích cô hát sáng tác của chính mình, nào là Bùa mê, Vĩnh hằng, Tôn thờ…Dream-pop của Bùi Lan Hương tưởng chừng kén khách hóa ra ngược lại.
Sinh ra trong gia đình công chức ở ngoại ô Hà Nội, không chỉ họ hàng mà cả hàng xóm cũng không ai làm nghệ thuật. Chỉ riêng Lan Hương thích hát, ở trường cũng được bầu làm trưởng khối văn nghệ. Năm 17 tuổi, Hương bắt đầu theo học NSƯT Thu Lan - Trưởng khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia khi đó. Rồi cô thi đỗ và nhập học ĐH Ngoại thương. Nhưng nghiệp hát vẫn đeo đẳng. Cô Lan bày cách cho Lan Hương thi thẳng vào bậc ĐH Thanh nhạc (bỏ qua 4 năm Trung cấp). Chỉ sau một năm học nhạc lý với giảng viên Hoàng Hoa (ái nữ của nhạc sĩ Tô Vũ), không ai ngờ Hương có thể đỗ thủ khoa đầu vào ĐH Thanh nhạc năm ấy. Ra trường cũng phải Á khoa mới chịu.
“Tốt nghiệp rồi, tôi vẫn hoang mang, nhạc này (opera) mình cũng không thích lắm. Giờ làm gì? Thích jazz! Việt Nam chả ai dạy”, Hương nhớ lại. Mỗi khi có ca sĩ jazz về bar nhạc của khách sạn Metropole diễn, Hương lại tìm đến nghe. Có lần không nén nổi sự háo hức, cô tới làm quen với nữ nghệ sĩ người Hungary đang giảng dạy tại Singapore và được nghệ sĩ này vỡ lòng vài buổi về jazz. Một lá thư giới thiệu cũng được viết cho ông trưởng khoa Jazz của trường mà Hương đang học bây giờ. Mọi việc sau đó Hương tự lo liệu. Sau khi vượt qua kỳ thi tuyển khắt khe của trường này, Hương được học bổng mức cao nhất cho sinh viên quốc tế.
Nhưng khoảng cách giữa bằng cử nhân Việt Nam với sinh viên năm nhất Singapore vẫn còn khá xa. Hương kể: “Yêu cầu của họ với ca sĩ đương nhiên phải chơi được piano ở mức trung bình khá, trình độ nhạc lý phải ngang bằng nhạc công. Ngoài hát còn phải biết về hòa âm phối khí, kỹ thuật phòng thu, kỹ thuật sân khấu… Tóm lại lên sân khấu phải kiểm soát được mọi thứ đang xảy ra chứ không phải phó mặc số phận mình cho người khác!”. Năm học đầu tiên, Hương căng thẳng vì nhiều môn phụ, nghe giảng bằng tiếng Anh với hệ thống ký hiệu âm nhạc khác hẳn. Còn giờ đây, cô sinh viên năm ba khẳng định: “Tôi thấy quá xứng đáng bỏ thời gian công sức để học ở đây, mình trưởng thành lên vô cùng. Rất cảm ơn trường của tôi. Ai có cơ hội cứ trải rộng cánh bay ra nước ngoài tìm hiểu thêm”.
Hương chỉ nghĩ sau này mình sẽ làm giáo viên, thỉnh thoảng hát những chương trình nho nhỏ, cho đến khi nhạc sĩ Huy Tuấn mời cô về nước để thử vai cho phim Glee. Chả là hàng tuần, Hương đều phải biểu diễn cùng ban nhạc của trường như một kiểu trả bài. Cô quay lại các buổi diễn đó đưa lên mạng và Huy Tuấn xem được. “Chắc tổ nghề vẫy về, tôi được vai”, Hương kể. “Phim quay lố ngày, tôi buộc phải bảo lưu thời gian học. Ở Sài Gòn rảnh, không biết làm gì, ngồi viết nhạc lung tung”. Sáng tác đầu tay của Hương tên Mê muội, và thính giả đầu tiên lại là Huy Tuấn. Anh khen ngợi, động viên cô viết tiếp.
Khi Hương đưa bài hát sang Sing phối khí, màu dream-pop mới lộ ra. Cô quyết định lấy đó làm hướng đi cho mình. Bạn bè giục giã đi thi Sing My Song nhưng cô không chịu. Họ bèn làm hồ sơ nộp thay cô vào phút chót. Sẵn cá tính riêng, định hình rõ nét, chỉ cần Hương lộ sáng là hiệu ứng domino bắt đầu. Hương được Chung Thanh Phong mời hát trong show thời trang, được Phan Mạnh Quỳnh, Victor Vũ mời hát nhạc phim. Đây là những bước đà quan trọng giúp cô nhanh tiếp cận đại chúng hơn.
Bùi Lan Hương
“Ðộc quyền” jazz
Hóa ra Hương là người Việt đầu tiên được đào tạo chính quy về thanh nhạc jazz. Cô cho hay: “Tôi nhận khá nhiều show nhạc jazz dù không khuếch trương mảng đó. Do được anh chị em trong nghề nghe, thích và giới thiệu. Nếu hát cả show nhạc jazz chính thống là họ gọi tôi chứ không có lựa chọn thứ hai. Hàng ngày tôi cũng chăm chỉ luyện tập nên không có chuyện dream-pop làm mai một jazz. Càng già hát jazz sẽ càng ngấm chứ không như pop…”.
Hương vẫn đang bay về giữa Hà Nội, Singapore và TPHCM. Sau các giải thưởng, cô bận rộn hơn và cũng không có ý định chinh phục thị trường Sing. Cô kể, chính ca sĩ Singapore cũng đang chật vật với thị trường 5 triệu dân này. “Bản thân người Sing không nghe đồng hương hát mà chỉ nghe ca sĩ Mỹ. Vì rất nhiều ca sĩ Mỹ về Sing. Nhiều ca sĩ Sing phải sang Trung Quốc hoạt động, hát tiếng Anh thì bị so với Mỹ, hát tiếng Trung thì bị so với đại lục… Ca sĩ nhạc jazz nổi tiếng nhất Singapore post Facebook được 40-50 like là nhiều lắm rồi. Thôi, không đâu bằng Việt Nam hết, quê mình vô địch”, Hương cười. Nụ cười nhẹ nhõm.
Thành công của Hương ở Việt Nam nằm ngoài dự đoán của chính cô. Tưởng rằng cứ phải “thị trường”, “chân dài” mới hút khách ai dè “mọt sách”, “mơ màng” như Hương cũng có ngày tỏa sáng.
Sắp qua ngưỡng U30, chuyện tình cảm của Bùi Lan Hương vẫn là một ẩn số. Tôi cũng có nhiều kỷ niệm về các mối tình rồi. Giờ tôi không cần lượng mà cần chất, cần người chia sẻ hiểu âm nhạc của mình và mình cũng hiểu cuộc sống của người đấy”, Hương tâm sự.
Theo Nguyễn Mạnh Hà/Tiền phong