Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam đang sở tài nguyên du lịch phong phú, song khai thác chưa hiệu quả.
Tại phiên hiến kế du lịch sáng 2/5, nhiều chuyên gia cho rằng, tài nguyên du lịch của Việt Nam hiện chưa được khai thác hiệu quả để gia tăng giá trị. Ở khu vực Đông Nam Á, nếu Thái Lan là thiên đường mua sắm và nghỉ dưỡng, Singapore lại sở hữu nhiều trung tâm thương mại.
"Hiện nay các sản phẩm du lịch của Việt Nam không rõ đang nhắm tới gì, nghỉ dưỡng hay mua sắm giải trí? Việt Nam đã có những sản phẩm thương mại quốc gia hay chưa?", ông Trương Tấn Sơn, đại diện Saigontourist đặt câu hỏi.
Theo CNN, Vịnh Hạ Long là điểm du lịch đẹp nhất tại Việt Nam, đồng thời là một trong những điểm tham quan tự nhiên nổi tiếng của Đông Nam Á. Ảnh: Worldnomads.
Ông Nguyễn Văn Tấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH JTB - TNT băn khoăn về các sản phẩm văn hoá chưa được hỗ trợ quảng bá lâu dài tại các quốc gia khác. "Ban đầu, festival Huế, hoa Đà Lạt, trái cây Nam Bộ, cà phê Đắk Lắk được truyền thông rầm rộ song chưa giữ độ nóng lâu dài", ông nêu. Ông Tấn nhận định, một trong những sản phẩm độc đáo của Việt Nam là ẩm thực, cần được hỗ trợ để trở nên hấp dẫn hơn.
Đồng quan điểm với ông Tấn, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Hanoi Redtours cho rằng mỗi khi tài nguyên du lịch được phát hiện, các cá nhân tự phát triển theo lối riêng mà chưa khai thác đúng giá trị. "Các tài nguyên nhanh chóng bị xâm hại và phá vỡ. Điều này khiến sản phẩm đơn điệu, kém hấp dẫn thậm chí tạo ấn tượng không tốt, dẫn đến khách nghỉ ít hơn", ông Hoan nói.
Việt Nam là điểm đến thường xuyên xuất hiện trong các bảng xếp hạng thế giới. Theo thống kê, Việt Nam đứng thứ 32 toàn cầu về số lượng và sự hấp dẫn của tài nguyên thiên nhiên, văn hoá với 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận.
Tuy nhiên, theo các báo cáo chỉ số cạnh tranh du lịch và lữ hành của World Economic Forum, Việt Nam chỉ xếp 129/136 quốc gia, xét về tính bền vững của môi trường, trong khi được đánh giá cao về tài nguyên thiên nhiên (xếp thứ 43). Với Singapore, chỉ số về tài nguyên thiên nhiên của nước này chỉ đứng thứ 103, nhưng tính ổn định của môi trường lại được chấm điểm cao, với vị trí 51, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt cho rằng Việt Nam nên quy hoạch điểm đến, sản phẩm du lịch dành cho du khách. "Mỗi tỉnh đều có quy hoạch du lịch độc lập khiến các sản phẩm giống nhau, nên phân loại sản phẩm", ông nói. Một số vấn đề bất cập khác cần được khắc phục nhanh chóng như giao thông chưa thuận lợi, khách phải trung chuyển nhiều chặng, ít đường bay thẳng, sân bay nội địa quá tải, tắc nghẽn.
Các chuyên gia cho rằng, tài nguyên du lịch cần được khảo sát thật kỹ trước khi khai thác. Ngành du lịch cần quan tâm hơn đến doanh thu, chi trả từ du khách. Để làm được điều đó, cần có sự kết hợp giữa doanh nghiệp lữ hành và các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Việc xây dựng chiến lược và quy hoạch cần đề ra giải pháp khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam, thu hút thị trường khách chi trả cao, hình thành những khu du lịch chất lượng.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch, khẳng định: "Để tăng năng lực cạnh tranh, Việt Nam cũng cần sớm hình thành các địa bàn du lịch trọng điểm".
Theo Phong Vinh/VnExpress