Thị trường điện ảnh Việt đang vô cùng sôi động sau một loạt phim thắng lớn, mở ra kỳ vọng vào ngành công nghiệp mang lại lợi nhuận lớn trong tương lai gần
Phim "Hai Phượng" công bố doanh thu đang đạt hơn 150 tỉ đồng ở thị trường trong nước, phim "Cua lại vợ bầu" thu hơn 180 tỉ đồng, "Trạng Quỳnh" cũng vượt mốc 100 tỉ đồng. Những con số 100 tỉ đồng doanh thu hiếm hoi của phim Việt những năm trước giờ đang dần trở nên bình thường, chứng tỏ sức bật lớn của thị trường điện ảnh Việt trong giai đoạn hiện nay. Nhiều người trong giới nhận định điện ảnh đang là "miếng bánh ngon" nếu phát triển chuyên nghiệp và không ngừng nâng chất.
Một vốn bốn lời
Một nhà sản xuất phim có tiếng từ những năm thập niên 1990 nói rằng bây giờ là thời kinh doanh điện ảnh. Khi phim truyền hình thất bại, vợ chồng nhà sản xuất này quyết định sang Mỹ định cư nhưng nay họ đưa nhau về ở hẳn Việt Nam để làm phim chiếu rạp, vừa thỏa mãn sở thích vừa dễ "trúng quả". Hiện tại, kinh phí sản xuất một phim trung bình từ 10-15 tỉ đồng, ngoại trừ những phim có nhiều kỹ xảo, dựng phim trường tốn kém mới vài chục tỉ đồng. Chỉ cần doanh thu hơn 30 tỉ đồng là nhà sản xuất đã có lãi. Nếu doanh thu 100 tỉ đồng thì lợi nhuận gần gấp 3-4 lần kinh phí bỏ ra. Với sức tăng trưởng của thị trường chiếu phim trong nước, nhất là phim Việt, doanh thu 30-40 tỉ đồng được xem là thất bại nhưng quá dễ dàng để đạt được.
“Hai Phượng” là tác phẩm mới nhất vượt mốc 100 tỉ đồng của thị trường phim Việt. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Hẳn nhiên, một phim thắng hoặc thua về doanh thu còn phụ thuộc nhiều yếu tố từ khách quan đến chủ quan nhưng nhìn chung lợi nhuận mà phim Việt mang về thời gian gần đây khá ổn định, cho thấy đây là "miếng bánh ngon", khả năng sinh lợi cao cho nhà sản xuất. Sau "Cua lại vợ bầu", "Trạng Quỳnh", phim "Hai Phượng" của Ngô Thanh Vân tiếp tục "oanh tạc" phòng vé. Nếu tiếp tục đà tăng trưởng này, "Hai Phượng" nhiều khả năng vượt "Em chưa 18" và cả "Cua lại vợ bầu" để giành vị trí đầu danh sách phim Việt có doanh thu cao nhất. "Một tín hiệu quá vui cho điện ảnh Việt. Những thành tích này chắc chắn kích thích đà tăng trưởng điện ảnh nước nhà, giúp các nhà sản xuất vững tin hơn trong việc đầu tư các tác phẩm chất lượng phục vụ khán giả" - nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc nhận định.
Đạo diễn Huỳnh Đông cũng thấy rằng nhiều phim đạt doanh thu 100 tỉ đồng tạo nên sự sôi động cho thị trường. Người làm nghề thấy hào hứng và chăm chút hơn cho phim mình với kỳ vọng được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả.
Thị trường đang tăng trưởng mạnh
Doanh thu phim Việt tăng khi lượng khán giả đến rạp xem phim tại nhiều đô thị tăng lên. "Tôi thấy khán giả đã hình thành được thói quen ra rạp thưởng thức phim Việt, nhờ vào chất lượng mặt bằng chung đang dần tốt lên. Đối tượng khán giả đến rạp cũng mở rộng, không chỉ tập trung ở độ tuổi từ 16-25 tuổi như trước" - đạo diễn Võ Thanh Hòa phân tích.
Tất nhiên, sự tăng trưởng doanh thu của phim Việt thời gian qua tỉ lệ thuận với chất lượng của phim. Những phim đạt doanh thu cao của phim Việt gần đây đều nhận được nhiều lời khen hơn từ giới chuyên môn và khán giả. Phim "Hai Phượng" thành công tiếp tục thúc đẩy sự đa dạng trong các thể loại phim ở thị trường Việt. Nó khuyến khích nhà sản xuất không ngại đầu tư những đề tài tưởng chừng khó nhằn, giới hạn khán giả. Nhà làm phim Việt dần có tư duy chủ động dẫn dắt thị hiếu chứ không phải chạy theo phong trào, "thấy người khác ăn khoai mình vác mai đi đào" như lâu nay. Nâng cao chất lượng là điều tiên quyết giúp thị trường điện ảnh Việt ngày càng tăng trưởng tốt hơn. Đánh giá về tiềm năng phát triển của thị trường điện ảnh Việt Nam, ông Sim Joon Beom - Tổng Giám đốc CJ CGV Việt Nam - cho biết: "Thị trường điện ảnh Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn. Nếu bảo vệ được "vòng xoắn tăng trưởng" của phim Việt, giúp mọi người đến rạp thường xuyên hơn, các nhà sản xuất dùng chính lợi nhuận đó để tái đầu tư sẽ giúp quy mô thị trường điện ảnh Việt ngày càng mở rộng hơn. Với đà phát triển này, Việt Nam sẽ nằm trong tốp 5 quốc gia có thị trường điện ảnh phát triển trên thế giới trong vòng 5-7 năm tới".
Nhà sản xuất phía Bắc đứng ngoài Trong lúc thị trường điện ảnh sôi động với những tác phẩm đạt doanh thu 100 tỉ đồng, các nhà sản xuất phim phía Bắc lâu nay gần như đứng ngoài cuộc. Một số đạo diễn miền Bắc từng thử làm phim chiếu rạp đã chọn Nam tiến nhưng đa phần không gặt hái thành công. Những phim: "Lời nguyền gia tộc" (đạo diễn: Đặng Thái Huyền), "Cuộc gọi định mệnh" (đạo diễn: Tạ Huy Cường)... chẳng để lại dấu ấn nào. Đặc biệt, phim "Cuộc gọi định mệnh" được xem là thảm họa với kỹ thuật làm phim cũ kỹ, kịch bản chắp vá, gượng gạo, doanh thu vì thế thất bại, dù phim huy động dàn diễn viên ăn khách của TP HCM tham gia. Nhiều người trong giới cho rằng miền Bắc khó phát triển phim chiếu rạp vì chưa quen chiều theo thị hiếu khán giả, thiếu đội ngũ sản xuất nhạy bén với thị trường nên khó nắm bắt cái mới một cách nhanh chóng như các nhà sản xuất ở TP HCM. |
Theo Minh Khuê/ NLĐ