Mực khô được người dân Quảng Nam nướng chín sau đó tẩm gia vị, ăn dai dai và có mùi thơm, vị ngọt, cay.
Mực rim là món ăn được nhiều người dân miền Trung sử dụng trong đời sống hằng ngày, và đặc biệt phổ biến mỗi dịp lễ Tết. Cách đây 5 năm, chị Nguyễn Thị Tuyết Trinh (xã Tam Tiến, Núi Thành, Quảng Nam) mở cơ sở đầu tiên tại địa phương chế biến mực rim, đến nay có khoảng 10 hộ làm món ăn này.
Xã Tam Tiến có chợ hải sản nổi tiếng với mực ngon tươi nhất Quảng Nam. Mỗi khi tàu cập bến, chủ các cơ sở mực rim lại thu mua về làm sạch, phơi khô, sau đó cất trữ và bảo quản trong tủ đông để chế biến mực rim.
Mực rim được chế biến qua nhiều khâu. Đầu tiên, mực sẽ được nướng chín trên bếp than hồng. Để mực chín đều, người thợ phải lật liên tục.
Các loại gia vị không thể thiếu gồm có gừng, tỏi, ớt.
Các nguyên liệu này được giã nhỏ, riêng tỏi cho vào chảo dầu chiên qua.
Sau đó, người thợ nấu đường chảy thành nước và cho các nguyên liệu kể trên vào nấu sôi. Quá trình nấu gia vị khoảng 30 phút.
Khi chảo gia vị đặc quánh, mực nướng chín được cho vào rim. Ngoài những nguyên liệu chính này, còn có một số gia vị khác theo bí quyết gia truyền. "Đây là bí quyết của mỗi người sản xuất và không tiết lộ ra ngoài”, chị Trinh nói. Một kg mực khô sau khi chế biến cho ra thành phẩm 1,5 kg mực rim.
Một con mực được thấm đều gia vị thì khi ăn vẫn giữ được vị ngọt, thơm của mực khô và gia vị nên đậm đà hơn.
Mực rim xong được cho vào hũ nhựa, mỗi hũ đựng khoảng 12 con mực, trọng lượng 180-200 gram, giá bán khoảng 40.000 đồng. Thời hạn sử dụng món ăn này chừng một tháng. “Ngày thường tôi sản xuất 10 kg mực khô, tháng cận Tết làm gần 100 kg”, chị Trinh nói. Mực rim được bán tại các tỉnh miền Trung và Tây nguyên.
Theo Sơn Thủy/ Ngôi Sao