“Tất cả anh em nghệ sĩ đều mong muốn Hãng phim truyện sớm sáp nhập với VOV. Nhưng điều quan trọng trước nhất là việc Vivaso sớm thoái vốn tại Hãng phim truyện”, đạo diễn Quốc Tuấn cho biết.
Đạo diễn Quốc Tuấn.
Tin VOV sẽ mua lại Hãng phim truyện Việt Nam được xem như một tín hiệu vui sau nhiều năm câu chuyện cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam gây phản ứng gay gắt đối với nhiều nghệ sĩ.
Nhiều nghệ sĩ, đồng nghiệp, đạo diễn đã bày tỏ niềm vui, tinh thần ủng hộ trước sự vào cuộc của VOV.
Tuy nhiên, không ít nghệ sĩ cũng đang lo lắng vì công tác bàn giao, thoái vốn của Vivaso tại Hãng phim truyện đang diễn ra rất chậm.
Trao đổi với Lao Động, đạo diễn Quốc Tuấn nhấn mạnh: “Kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc cổ phần hóa tại Hãng phim truyện đã chỉ ra rất rõ. Theo đó, quá trình cổ phần hóa xảy ra nhiều sai sót, dẫn đến chọn sai cổ đông chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO). VIVASO sẽ buộc phải thoái vốn khỏi Hãng phim trong vòng 2 tháng. Tuy nhiên, tính đến nay, họ có dấu hiệu tiếp tục trì hoãn công việc này”.
“Tôi cho rằng, họ đang cố tình câu giờ, lần khân, chần chừ. Điều này hẳn nhiên là phải có một mục đích nào đó. Cách đây 2 năm, Nhà nước có đặt hàng Hãng phim truyện thực hiện bộ phim “Người yêu ơi”. Tuy nhiên, do vướng những lùm xùm về cổ phần nên việc đặt hàng phải hoãn lại. Đến nay, dự án này tiếp tục được bổ sung thực hiện. Đó là lý do mà Vivaso cố tình trì hoãn công tác bàn giao, thoái vốn”, đạo diễn Quốc Tuấn bày tỏ.
Nhớ lại giai đoạn Hãng phim truyện bị định giá 0 đồng, đạo diễn Quốc Tuấn cho hay, đó là nỗi đau lớn nhất mà những người yêu Hãng phim truyện từng phải chứng kiến và chịu đựng.
Hãng phim truyện Việt Nam.
Theo đạo diễn Quốc Tuấn, thực ra việc VFS sáp nhập VOV hay VTV hay bất cứ một đơn vị nào đó tốt hơn Vivaso đều không phải là không thể. “Vấn đề là những người có quyền quyết định đã không muốn giữ đến cùng thương hiệu của một hãng phim từng được xem là cái nôi đầu tiên của nền điện ảnh Việt Nam”, anh nói.
Điện ảnh thế giới cũng từng phải đối diện với những cơn khủng hoảng trước cơn lốc của công nghệ số. Hãng Kodak danh tiếng đã phải xóa sổ đơn vị chuyên sản xuất phim nhựa – linh hồn một thời của họ. Điện ảnh Việt Nam cũng không nằm ngoài ngoại lệ khi rơi vào những hoàn cảnh khó khăn. Nhưng nhất định không thể xóa sổ một hãng phim như Hãng phim truyện Việt Nam.
“Chúng tôi không phản đối việc cổ phần, càng hoan nghênh sáp nhập giống như việc sẽ sáp nhập với VOV. Truyền thống lịch sử của VFS, của những nghệ sĩ như chúng tôi với những đóng góp gần như cả một đời cần phải được ghi nhận và trân trọng”, đạo diễn Quốc Tuấn cho biết.
Theo Phi Phi/Lao động