Kim Dung biết trước độc giả phương Tây sẽ khó lòng đón nhận mình, nhưng ngay với một dịch giả đang học tiếng Trung và muốn tiến bộ thông qua việc dịch sách “cho vui”, ông vẫn nhiệt thành giúp đỡ. Đối với ông, quý trọng tìm đến nhau đã là đủ.
Ý tưởng dịch các tác phẩm tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung sang tiếng Anh đã được “nâng lên đặt xuống” từ lâu. Kim Dung không quá hồ hởi với điều này, nhưng ông cũng không hề thiếu sự trân trọng đối với những dịch giả có mong muốn dịch tác phẩm của ông sang tiếng Anh.
Sinh thời, Kim Dung từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn rằng ông biết nếu tác phẩm của mình được dịch sang tiếng Anh, thì độc giả phương Tây vẫn sẽ khó lòng đón nhận và yêu mến các tác phẩm ấy: “Độc giả phương Tây nếu muốn hiểu và yêu thích tác phẩm của tôi cần phải hiểu về cách suy nghĩ đặc trưng của người Á Đông.
“Đặc biệt, khi các đầu sách của tôi đều mang bối cảnh cổ xưa, truyền thống, với những đề tài, tiêu chí đạo đức và triết lý cổ điển… Võ thuật đối với tôi cũng chỉ là một thứ công cụ, một thứ đường bọc ngọt ngào, được dùng để tôi thể hiện những ý tưởng nghệ thuật của mình”.
Nhà văn Kim Dung
Trước sự ra đi của Kim Dung hồi cuối tháng 10 vừa qua, một dịch giả phương Tây có tên Graham Earnshaw, đã chia sẻ với tờ South China Morning Post (Hồng Kông) một câu chuyện thú vị khi ông từng được tiếp xúc với nhà văn Kim Dung lúc sinh thời.
Khi ấy, Earnshaw đang học tiếng Trung và mong muốn dịch tiểu thuyết Kim Dung sang tiếng Anh như một cách tự học, không hề có ý định xuất bản, in ấn gì. Vậy nhưng nhà văn đã không tiếc thời gian, công sức dành cho Earnshaw...
Dưới đây là bài viết của dịch giả Graham Earnshaw:
Tôi liên hệ với nhà văn Kim Dung hồi đầu năm 1979, với mong muốn dịch sách của ông - cuốn “Thư kiếm ân cừu lục” - sang tiếng Anh, ông đã rất vui vẻ và hào phóng về mặt thời gian dành cho tôi. Ông sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi, tôi đã tận dụng cơ hội đó để trò chuyện với ông, thường là qua điện thoại.
Chúng tôi trò chuyện chủ yếu bằng tiếng Trung, mà tôi khi đó mới đang “bập bẹ” học tiếng, hẳn rất khó nghe. Trước thời điểm tôi liên hệ với ông, gần như chưa có tác phẩm nào của ông được dịch sang tiếng Anh. Tôi lúc đó chỉ muốn dịch như một cách để tự học ngoại ngữ và đã mất 3-4 năm mới cơ bản dịch xong cuốn đó, phần nhiều là vì tôi phân tâm làm những việc khác.
Tôi không phải một dịch giả văn học nhà nghề, và tôi học tiếng Trung trên đường phố. Tôi chỉ bắt tay vào dịch cuốn sách đó với mong muốn cải thiện khả năng ngoại ngữ của mình.
Nhà văn Kim Dung
Khi ấy, tôi đã hỏi nhà văn Kim Dung rất nhiều câu, tuy “ngô nghê” nhưng lại rất khó trả lời thành thực. Chẳng hạn, tôi hỏi nhà văn rằng những cái tên nghe rất văn vẻ mà ông đặt cho những nhân vật, môn phái, ngón đòn, vũ khí, địa danh..., làm thế nào mà đặt được những cái tên đầy ý nghĩa và giàu tính biểu đạt đến vậy.
Ông đã trả lời vui vẻ rằng chủ yếu là ông muốn sự vật, sự việc được đẩy lên cao trào, nghe thật ấn tượng, mùi mẫn mà thôi. Mặc dù chỉ là dịch “chơi”, nhưng tôi cũng thường “cầu kỳ” bàn bạc với nhà văn về những ý tưởng của mình trong quá trình dịch, rằng nên cắt chỗ này, nên lược chỗ kia, Kim Dung luôn sẵn sàng bàn luận với tôi.
Sau khi dịch xong khoảng 800 trang truyện gốc, tôi bỏ bản dịch của mình sang một bên. Đến khoảng 15 năm sau, bỗng có một nhà xuất bản uy tín của Anh liên hệ với tôi, đề xuất đem in bản dịch đó. Họ cho tôi biết rằng bên họ đang có kế hoạch dịch các đầu sách của Kim Dung sang tiếng Anh.
Trong khi nhà văn đã đồng ý để họ dịch tất cả các đầu sách của ông, thì riêng cuốn “Thư kiếm ân cừu lục”, ông đề nghị họ hãy liên hệ với tôi để xem bản dịch của tôi. Hóa ra, dù 15 năm trôi qua, ông vẫn không hề quên tôi và bản dịch năm xưa của tôi.
Mặc dù kế hoạch chuyển ngữ và xuất bản sau đó không diễn ra suôn sẻ như mong đợi ban đầu, nhưng đó vẫn là kỷ niệm khiến tôi ghi nhớ về sự chân thành của ông.
Bích Ngọc/Dân Trí
Theo South China Morning Post/Xinhua